Quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển: Phát triển du lịch cộng sinh với địa phương
Bình Định có bờ biển dài 134 km - một lợi thế lớn để phát triển kinh tế du lịch hướng biển. Và thực tế, những năm gần đây nhiều dự án lớn, nhiều khu đô thị ven biển đã dần hình thành. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Ủy viên Hội đồng hành nghề kiến trúc, Ủy ban Hành nghề Hiệp hội Kiến trúc châu Á - đã trò chuyện với Báo Bình Định về quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất. Ảnh: HẢI YẾN
* Hơn 5 năm gần đây ông rất gắn bó với Bình Định, ông có góp ý gì cho quy hoạch phát triển của tỉnh không?
- Những ngày tháng ở tại TP Quy Nhơn, tôi thích bởi các món ăn ở đây rất ngon, con người vui vẻ, thân thiện. Những năm qua, Bình Định phát triển theo hướng phát triển kinh tế du lịch biển. Đó là hướng đi đúng nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Những con đường ven biển luôn được xem là chỉ dấu phát triển kinh tế, tuy nhiên cùng với đó chúng ta phải tạo ra được quỹ đất thương mại. Quỹ đất thương mại dọc các con đường sát biển là nơi định cư, tạo ra không gian giải trí, dịch vụ biển với mật độ vừa phải, thích hợp, khi ấy con đường đó mới thật sự mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều nơi mà Đà Nẵng là một ví dụ, phải sửa sai vô cùng khó khăn sau khi phân lô cho những khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ lụy là người dân mất đường ra biển. Dù vậy tôi nghĩ vấn đề không phải chỉ ở chỗ người dân không được sử dụng tài nguyên biển một cách thuận lợi, mà quan trọng hơn - du khách không thể bị cắt rời khỏi cộng đồng dân cư, cắt đứt mối quan hệ vốn là hữu cơ với người địa phương - đó mới là vấn đề quan trọng-phải có vệt đất sinh hoạt cộng đồng, có chỗ cho những dịch vụ mà ở đó cư dân địa phương và du khách chan hòa với nhau. So với những tỉnh thành đã trót phân lô, điểm xuất sắc của tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn là dành toàn bộ những đoạn đẹp nhất cho cộng đồng!
Việc quy hoạch, phát triển đô thị du lịch phải cân đối, đảm bảo quỹ đất cho các hoạt động cộng đồng của cư dân địa phương, du khách đến thư giãn, tham quan và chia sẻ hạnh phúc cùng cư dân bản địa. Phát triển nói chung và đặc biệt là phát triển du lịch không phải để biến người dân địa phương thành người làm thuê chuyên nghiệp. Nhờ quan điểm chiến lược tốt, có định hướng quy hoạch rõ ràng, Quy Nhơn phần nào đó đã làm được điều này v à tôi nghĩ những khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển khác trong tỉnh cũng sẽ như v ậy - không để xảy ra xung đột lợi ích với cư dân địa phương.
* Theo ông ở góc độ quy hoạch, Bình Định nên làm gì thêm để kinh tế du lịch biển phát triển đúng hướng và không tách rời, không xung đột lợi ích với cộng đồng dân cư địa phương?
- Với tôi, khu đô thị khoa học Quy Hòa, với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) của giáo sư Trần Thanh Vân trở thành một điểm sáng của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và quốc tế trong việc thu hút, giao lưu giữa các nhà khoa học lừng danh thế giới. Khu đô thị này sẽ là điểm nhấn rất đặc biệt của Bình Định.
Bình Định có nhiều vùng biển, vịnh biển đẹp như thiên đường, đây là một lợi thế lớn để phát triển kinh tế du lịch hướng biển. - Trong ảnh: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Ảnh: FLC Quy Nhơn
Liên tục nhiều thế hệ lãnh đạo Bình Định đã trải thảm đỏ quyết tâm thực hiện quy hoạch thành phố khoa học. Đó là hướng đi đặc biệt hứa hẹn nhiều thành công. Mỗi đô thị, vùng đất cần điểm tựa chiến lược riêng của mình để phát triển. Do đó, quy hoạch phát triển khu đô thị khoa học gắn kết với du lịch, phục vụ cho khách tham dự các hội nghị khoa học tầm quốc tế là bước phát triển đúng đắn và khác biệt.
Nhưng đó cũng chưa phải là du lịch bền vững, du lịch cộng sinh với cộng đồng địa phương. Rất nhiều địa phương đã thu hút được dự án du lịch lớn. Chủ đầu tư tạo những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như thiên đường, tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Người dân đến khu du lịch này làm thuê, hết ngày làm việc họ lên xe trở về nhà hoặc đến khu vực riêng của mình. Quy hoạch này gây ra sự bất bình đẳng lớn cho cư dân bản địa, đây là xu hướng ít nhân văn, thân thiện và không còn hợp thời nữa. Như tôi vừa nói ở trên, đến giờ Bình Định không vướng vào tình trạng này, nhưng thành thật mà nói du lịch cộng sinh với địa phương vẫn chưa hình thành, hoặc có nhưng chưa rõ nét.
* Vậy theo ông, sức hấp dẫn ở đây không chỉ bắt nguồn từ tài nguyên thiên nhiên, mà còn đến từ chiến lược phát triển đô thị dựa trên những dự án và công trình đặc biệt ở những vị trí đặc biệt?
- Bình Định có nhiều vùng biển, vịnh biển đẹp như thiên đường, tôi xin phép không liệt kê lại những thắng cảnh tuyệt đẹp đó nhé! Bình Định cũng là xứ sở có lịch sử lâu đời rất đáng tự hào, có nền văn hóa đa dạng, phong phú rất nên đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu…
Tôi nghĩ lãnh đạo Bình Định nên tính toán quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, khách sạn với khu vui chơi, giải trí để giúp du khách tiêu tiền, đồng thời cũng phục vụ cả nhu cầu của người dân địa phương. Bình Định không ào ạt xây dựng các khu biệt thự triệu đô v en biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch mà đã phối trí mọi thứ tương đối hài hòa… Hiện tại, TP Quy Nhơn đã có các công trình công cộng xen kẽ các tòa nhà cao tầng để tối đa hóa không gian, chứa đựng nhiều tiện ích đan xen và thuận tiện. Nhưng những phân khu chức năng cốt lõi tạo ra nhu cầu về ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí lại không nhiều. Điều này diễn ra ngay tại TP Quy Nhơn và rất dễ kiểm chứng!
Tôi mong rằng Bình Định sẽ có những hướng quy hoạch không gian đô thị biển sinh thái xanh, nơi con người được thụ hưởng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Đó là phát triển du lịch cộng sinh địa phương, nơi có các nguồn tài nguy ên được quy hoạch sử dụng lâu bền cho cộng đồng cư dân, nơi các giá trị sinh thái nhân văn, lịch sử cần được bảo tồn để phát triển bền vững. Điều đó rất cần các nhà lãnh đạo Bình Định xây dựng chiến lược đúng và trúng. Các bạn đang đi đúng hướng nhưng cần dấn bước nhanh hơn, mạnh hơn!
* Xin cảm ơn kiến trúc sư!
HẢI YẾN