Năm 1778 sứ đoàn Anh quốc đã đến Bình Định
Đôi tàu Anh trên đến một làng chài vùng duyên hải Sông Cầu gần đảo Cù lao Xanh (Pulo Gambir de Terre) để lấy nước, được một ngư dân ở đây tình nguyện dẫn đường ra Quy Nhơn. Nhờ đó Amazon và Jenny cập cảng Quy Nhơn vào ngày 13.7.1778.
Ngay sau khi buông neo, Chapman cho viên thư ký lên bờ trình báo với quan trấn cảng, người trên tàu liền được cung cấp nước ngọt và thực phẩm. Ngày hôm sau đích thân quan trấn cảng lên tàu, ông tặng cho đoàn một con heo làm quà. Như vậy có thể thấy được từ cư dân cho đến viên chức nhà Tây Sơn đều lịch thiệp, thân thiện khi nhiệt tình giúp đỡ sứ đoàn ngoại quốc.
Ảnh tư liệu
Theo đề nghị của quan trấn cảng, Chapman cử viên thư ký tới chào hỏi và tặng quà cho “em của nhà vua” ở gần đó (chưa đoán định được là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Lữ). Ghi chép của Chapman cho biết, sứ đoàn cũng đã gặp phò mã của nhà vua, đó là một người còn rất trẻ, nhưng đã là một viên quan đầu triều (chưa rõ là Vũ Văn Nhậm hay Trương Văn Đa) và ông cũng đã lên tàu thăm sứ đoàn vào ngày 16.7.
Những cuộc tiếp xúc đó chỉ là thủ tục sơ khởi chuẩn bị cho cuộc hội kiến chính thức giữa sứ đoàn Anh quốc với Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc (Chapman chép tên là Ignaack). Quả thật chỉ vài hôm sau theo sắc chỉ của nhà vua, Chapman được phép diện kiến Thái Đức Hoàng Đế.
Theo tường trình của Chapman (trích trong Journal of the malayan branch royal asiatic society, in tại Kuala Lumpur, Malaysia, 1961), điểm rất bất ngờ và mới mẻ là Hoàng đế Tây Sơn bấy giờ không buộc người Tây dương phải quỳ gối tiếp chỉ. Tiếp chỉ xong, vốn rất muốn sớm được gặp Hoàng đế Thái Đức, Chapman quyết định sẽ khởi hành vào chiều hôm sau, tối nghỉ đêm ở nhà quan trấn cảng để sáng sớm bữa mốt là có thể lên đường để kịp đến Hoàng thành trong ngày. Ông nhờ quan trấn cảng lo liệu giúp cho ông cáng, ngựa dành cho thành viên của đoàn cùng một số dân phu để gánh mang tặng phẩm dâng nhà vua và tư trang của sứ đoàn.
Chiều 22.7, Chapman lên bờ, nghỉ đêm ở nhà quan trấn cảng, sứ đoàn người Anh đã được chiêu đãi bằng điệu múa của một đoàn vũ nữ. Theo Chapman nhận xét thì cách buổi trình diễn có tiết tấu ít rộn rã, khác với kiểu của người Ấn. Còn nhạc cụ thì đủ các loại kèn, trống phách, và một loại đờn kéo giống tựa violon (hẳn là đàn nhị), khiến họ tưởng mình như đang ở Ấn Độ. Nhưng điều làm ông thích thú hơn hết là cách tán thưởng những màn trình diễn ở xứ Đàng Trong. Quan trấn cảng mang đến cho ông một xâu tiền, khi nào tán thưởng bất kỳ tiết mục nào thì ném lên thưởng cho người trình diễn.
Sáng hôm sau sứ đoàn lên đường đến thành Hoàng Đế. Chapman đi bằng một cái cáng 2 phu khiêng; rất dễ chịu khi nằm trong cáng, Chapman lưu tâm quan sát những gì thấy được trên đường đi. Tường trình chi tiết của Chapman giúp ta hình dung được khá nhiều không gian, đường sá, đời sống sinh hoạt đương thời.
“Thoạt đầu chúng tôi đi dọc theo bờ một dòng sông lớn, rồi đến một thung lũng trồng trỉa màu mỡ, núi cao bao quanh khắp mặt”.
Khởi đầu đi ven một dòng sông. Không con sông nào khác hơn đó chính là nhánh Hà Thanh chảy xuống cầu sông Ngang để ra ngõ cầu Đôi. Hoàng Việt Nhất thống Dư địa chí của Lê Quang Định biên soạn năm 1802 cũng ghi nhận đường từ Vĩnh Thế xuống Chợ Giã là đi dọc theo sông Phú Hòa Đông. Đoạn tiếp theo hẳn là đến vùng đồng bằng Vinh Thạnh, Vĩnh Hy núi non vây bọc chung quanh, nào Kỳ Sơn, núi Úc, Phủ Sơn, núi Quảng Tín, núi Thị Thiện…
Cầu trên đường Thiên lý ngày xưa. Ảnh tư liệu
“Trong thung lũng này, chúng tôi đi suốt qua ba hay bốn làng khá trù phú. Làng nào cũng như làng nào, trên đường đều có hàng quán bán nước chè tươi (loại kém giá trị thương phẩm), trái cây, và thức ăn thức uống cho khách bộ hành”.
Những hàng quán đó Chapman gọi là công quán (public houses), nước chè tươi loại kém giá trị thương phẩm chắc là nước trà lá vối, một thức uống phổ biến của quán xá Bình Định ngày xưa.
“Đúng trưa, chúng tôi dừng chân ở một hàng quán, nơi đã sớm sửa soạn bữa cơm thân mật dành cho quan chức đồng hành với chúng tôi. Chúng tôi đã cùng tham dự và chi trả cho bữa tiệc. Nó gồm thịt gà cắt ra từng miếng nhỏ bóp muối bao phủ lên một ít rau xanh, vài món cá và trà”.
Có lẽ đây là loại quán mở ra ở mỗi dịch trạm ngày xưa để phục vụ, giúp đỡ người đi đường. Ở Quảng Nam hiện có địa danh còn giữ tên ngày xưa là “Quán Hộ”. Xâu chuỗi các hình ảnh trên, có thể hình dung ra đường từ Quy Nhơn lên thành Hoàng Đế năm 1778, phải là đoạn sau đó trở thành đường Thiên lý triều Nguyễn chạy suốt chiều dài đất nước. Đường Thiên lý luôn hiện diện nhà trạm với quán hộ.
Tầm tháng 7 có lẽ trời khá nồng nực nên sứ đoàn nghỉ chân tới 4 giờ chiều mới tiếp tục lên đường. Lúc đến được một làng khác thì trời đã tối, chỉ còn chừng một giờ đi ngựa nữa là kịp đến cung điện của nhà vua, nhưng quan hướng đạo đề nghị sứ đoàn ở lại đây nghỉ qua đêm, vì đã quá muộn để được phép đi vào Hoàng thành.
Chưa thể khẳng định Chapman cùng quan hướng đạo có phải ăn trưa là ở Mỹ Điền, Thạnh Thế ngày nay, nhưng có thể hình dung từ xã Phước Lộc sứ đoàn đi tiếp lên cầu Gành - cầu Tân An - sau đó đến chợ Gò Chàm - rồi qua cầu Đập Đá. Họ nghỉ đêm ở đâu đó có lẽ là quãng từ chợ Gò Chàm (Lam Kiều Thị) tới Đập Đá (Thạch Yển), cung đường chỉ một giờ đi ngựa là đến Hoàng thành.
Sáng hôm sau sứ đoàn Anh quốc được triều đình Nguyễn Nhạc tiếp đón trọng thể ở thành Hoàng Đế. Sau nhiều tranh biện, hai bên cùng thỏa thuận chi tiết thuế phí thuyền buôn người Anh cập cảng Quy Nhơn. Chapman đánh giá triều đình của Nguyễn Nhạc khá chi tiết. “Cho dù thiếu những thứ cần thiết tạo nên sự lộng lẫy như những ông hoàng phương Đông khác, nhưng ở đây mọi thứ có quy củ, đúng mực, chúng tạo nên ấn tượng về sức mạnh của một chúa tể cùng với bầy tôi vây quanh”.
Ngoài buổi triều kiến chính thức, sứ đoàn Anh quốc còn được vua Thái Đức tiếp riêng ở ngay tại nơi mình ở. Theo ghi chép của Chapman, Thái Đức Nguyễn Nhạc là người có tư duy thương mại quốc tế rất cao khi ông chia sẻ cởi mở ý định sẵn sàng tạo dựng quan hệ thương mại với Anh quốc cũng như cả thế giới phương Tây, biến Đàng Trong thành một vùng kinh tế mở.
Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc cũng dành sự quan tâm đặc biệt với những khí tài hiện đại, có sức mạnh vượt trội như đại bác, súng trường và đặc biệt là tàu chiến cũng như những kỹ thuật quân sự khác; đáng chú ý Nguyễn Nhạc cũng rất quan tâm đến việc khai thác các mỏ, sử dụng tài nguyên khoáng sản ở khu vực mà Hoàng đế làm chủ và sẽ làm chủ, chính vì thế ngài cũng rất quan tâm đến ưu thế kỹ thuật của phương Tây trong lĩnh vực này.
Đặc biệt trong tư duy của mình Nguyễn Nhạc rất quan tâm việc làm chủ mặt biển, không chỉ ở khu vực miền Trung mà còn quán xuyến cả phương Nam và cả khu vực vịnh Thái Lan ngày nay. Có lẽ nhờ ấn tượng từ việc được người dân ở Sông Cầu giúp đỡ cộng vào đó là do tiếp xúc gần với người bản xứ trong hành trình từ Quy Nhơn ra gặp thành Hoàng Đế, Chapman ghi nhận sâu sắc sự thân thiện của cư dân xứ Nẫu, có thể thấy rằng sự thân thiện, chân thành này đã có nhiều trăm năm tuổi.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ