Người viết nhật ký đại dịch bằng tranh
Họa sĩ Lê Sa Long tự nhận mình là người viết nhật ký đại dịch Covid-19 bằng tranh. Anh ghi chép, tái hiện đời sống quanh mình và truyền đi năng lượng tính cực bằng những sắc màu để vượt qua đau thương, khốn khó do dịch bệnh gây ra.
NHẬT KÝ BẰNG TRANH
2021 là một năm đáng nhớ trong cuộc đời họa sĩ Lê Sa Long. Những tháng ngày TP Hồ Chí Minh chìm trong đau thương cũng là khi anh miệt mài sáng tác và hàng trăm bức tranh, trong đó có Sài Gòn những ngày giãn cách với nhiều dấu ấn đã ra đời trong tâm dịch.
Sự khốc liệt của đại dịch được Lê Sa Long khắc họa thông qua hình ảnh, chân dung của những con người, thân phận cụ thể. Ðó là những con người lam lũ, nghèo khó mưu sinh trên đường phố; là những lao động nghèo bị đánh bật ra khỏi thành phố và lũ lượt xuôi vạn lý tìm về cố hương; là những phận người mất mát đau thương...
Họa sĩ Lê Sa Long đang thực hiện tác phẩm “Nhận quà Trung thu mùa Covid-19”.
Cuộc chiến chống dịch khốc liệt của các lực lượng tuyến đầu, từ các y bác sĩ, LLVT đến các tình nguyện viên, nhà hảo tâm lao vào điểm nóng hỗ trợ, cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn…, đều truyền cảm hứng cho anh và được anh tái hiện, khắc họa một cách chân thực, sinh động, gây cảm xúc mạnh cho người xem.
Những con đường, góc phố Sài Gòn thân quen, vốn sôi động bỗng trở nên vắng lặng, bí bách giữa những hàng rào thép gai phong tỏa cũng ùa vào tranh Lê Sa Long với nhiều cung bậc cảm xúc. “Trong lúc thành phố mình gắn bó và cả đất nước đang đau thương, tôi không cho phép mình vẩn vơ cùng trăng sao hay mây gió. Tôi lao vào dòng chảy của hiện thực cuộc sống…”, Lê Sa Long chia sẻ. Với anh, “người nghệ sĩ phải có trách nhiệm công dân và tôi ghi chép hiện thực cuộc sống hôm nay để các thế hệ mai sau hiểu được chúng ta đã có những lúc đau thương như thế, để từ đó biết quý trọng và nâng niu cuộc sống”.
Ngay trong những ngày dịch diễn biến phức tạp nhất, nhiều bức tranh của Lê Sa Long đã được TP Hồ Chí Minh dựng làm pano nơi công cộng nhằm khích lệ, lan tỏa tình yêu thương, chung tay chống dịch, vượt qua gian khó trong cộng đồng.
Bộ tranh Sài Gòn những ngày giãn cách với gần 80 bức và cuốn sách cùng tên cũng được ra mắt công chúng dịp cuối năm 2021. “Khi xem lại các bức tranh, cuốn nhật ký, tôi vẫn không thôi xúc động vì đôi mắt những người trong hình thao thiết lắm; cứ như muốn gửi gắm lại cho tôi và nhiều thế hệ sau nữa, những câu chuyện bi thương mà nghĩa tình trong những ngày cơn bão Covid-19 tràn qua thành phố”, họa sĩ bày tỏ.
NÂNG ÐỠ TÂM HỒN QUA CƠN KHỐN KHÓ
Lê Sa Long thiên về tả thực và tác phẩm của anh thường được bắt đầu từ những câu chuyện, con người thật nên cảm xúc chân thực, gần gũi như chính những gì cuộc sống đang diễn ra. Song, anh thổi vào đó những thông điệp mang giá trị nhân văn và nguồn năng lượng tích cực, khiến người xem luôn có cảm giác bi nhưng không lụy, cùng nhưng không tắc… Nhờ thế, những tác phẩm có giá trị như liều thuốc tinh thần, nâng đỡ tâm hồn những phận đời khốn khó.
Bức tranh họa sĩ Lê Sa Long vẽ một bác sĩ ở Quy Nhơn bịn rịn chia tay con gái trước lúc lên đường hỗ trợ bà con TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch.
Bão dịch Covid-19 tràn qua khiến hàng triệu người rơi vào vòng xoáy và để lại rất nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, người xem không khỏi rưng rưng trước những bức tranh của Lê Sa Long mô tả về thân phận con người, về những mất mát đau thương do dịch gây ra, đặc biệt đối với trẻ em. Song, dẫu mô tả sự khốc liệt của dịch bệnh nhưng gam màu sáng và hơi ấm tình người vẫn là mạch chủ đạo bao trùm, xuyên suốt các tác phẩm của Lê Sa Long. Ðó là nữ bác sĩ quân y ôm bệnh nhi sơ sinh trong cơn nguy kịch chạy đi cấp cứu; là nữ bác sĩ dành khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu để ôm ấp, chăm sóc đứa con bé bỏng của sản phụ F0 như nâng niu, chăm sóc chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra; là các nữ tình nguyện viên đã tạm biệt con thơ, gia đình để đến chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh là con của các sản phụ F0; là các chiến sĩ áo xanh, áo trắng lưu luyến chia tay những đứa con bé bỏng của mình để lao vào vòng hiểm nguy…
Những hình ảnh ấy đã thôi thúc Lê Sa Long cầm cọ. Anh tâm sự: “Nhiều lúc bận, mệt muốn ngừng vẽ, buông cọ, nhưng không thể ngừng được tiếng nói của con tim”. Vì thế, anh lại tiếp tục miệt mài vẽ với mong muốn lan tỏa thật nhiều hơi ấm tình người trong cơn hoạn nạn và truyền đi sức mạnh tinh thần để mọi người cùng vượt qua khốn khó.
Không chỉ ghi chép, tái hiện cuộc sống đa thanh âm, sắc màu, Lê Sa Long còn vẽ bằng những suy tưởng, chiêm nghiệm về những giá trị của cuộc sống, về sự hy sinh và dâng hiến. Tác phẩm “Những thiên thần đã về với bầu trời xanh” ra đời từ một giấc mơ, mà thực ra đó là sự chiêm nghiệm của anh về sứ mệnh của con người. “Trong mơ, tôi thấy những thiên thần mặc đồ bác sĩ, điều dưỡng bay lượn ngoài cửa sổ…. Bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trên cao rọi xuống, họ cùng vút bay lên với bầu trời. Bóng họ nhỏ dần, chỉ có những cánh tay xanh xao gầy guộc của bệnh nhân F0 khe khẽ vẫy theo… Tôi hiểu họ là Thiên Sứ đã làm xong nhiệm vụ mang lại sự yên bình cho mọi người, rồi về trời xanh. Tỉnh dậy lúc kim đồng hồ chạm con số 2. Tôi ngồi vẽ mải miết với cảm xúc dâng trào về hình ảnh những thiên thần trong giấc mơ ấy”, Lê Sa Long trải lòng.
Tác phẩm trong bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách” của họa sĩ Lê Sa Long.
NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG
Họa sĩ Lê Sa Long hiện là giảng viên mỹ thuật Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh. Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định. Dù đi xa và dù bộn bề công việc, anh vẫn dành những tình cảm yêu thương sâu nặng cho quê hương xứ sở.
Họa sĩ Lê Sa Long đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân, tham gia nhiều triển lãm và dành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Tác phẩm của anh có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong nước và ở các quốc gia như: Pháp, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…
Ðất và người Bình Ðịnh luôn là một phần không thể thiếu trong tranh Lê Sa Long. Ðó là ông già chuyên mài dao kéo và sống lương thiện ở cuối đường Võ Mười (Quy Nhơn); là hoàng hôn trên bãi tắm Hoàng Hậu và những phong cảnh thiên nhiên đâu đó miền đất Võ, là những chiến binh áo trắng từ Quy Nhơn tăng cường cho TP Hồ Chí Minh chống dịch hoặc những chuyến hàng nghĩa tình từ Bình Ðịnh vào với bà con hoạn nạn Sài Gòn…
Giờ phút chia tay người thân để cùng đồng đội vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, trái tim bác sĩ Phạm Y Khoa (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) như tan chảy bởi phút bịn rịn chia tay cô con gái bé bỏng trước lúc lên đường lao vào điểm nóng. Hai cha con bác sĩ Phạm Y Khoa là nguyên mẫu cho một bức tranh của Lê Sa Long và lập tức chạm đến trái tim người xem. Lê Sa Long gọi đó là “một người quê Bình Ðịnh truyền cảm hứng để cùng bà con Sài Gòn vượt qua đại dịch”.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hội họa, có cha từng là giáo viên mỹ thuật và tất cả 7 anh chị em hiện đều là họa sĩ, Lê Sa Long có sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ và sự chỉn chu, nghiêm cẩn của một nhà giáo. Anh tìm thấy mạch nguồn của cảm xúc, sáng tạo từ quê cha đất tổ và luôn níu giữ sợi dây vô hình đó. Hơn thế nữa, anh vẽ về quê hương như là cách để tri ân mảnh đất nơi mình sinh ra và khôn lớn.
ĐẠI DƯƠNG