Ấm áp cái Tết đầu tiên ở miền Nam
56 năm đã trôi qua, tết Bính Ngọ (1966) vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu binh Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3 Sao Vàng). Lần đầu tiên, những chàng lính trẻ đất Bắc đón Tết cổ truyền ở miền Nam, giữa những mái nhà xứ Dừa nặng ân tình.
Sau những ngày hành quân với khí thế phấn khởi khi vừa giải phóng Minh Long (Quảng Ngãi), Sư đoàn 3 Sao Vàng trở về Bình Định - vùng đất đã sinh ra mình trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân. Trung đoàn 22 (Quyết Tâm) đứng chân ở Hoài Nhơn: Tiểu đoàn 7 ở Hoài Châu, Tiểu đoàn 8 ở Tam Quan Nam, Tiểu đoàn 9 ở Hoài Hảo...
BẺ BÁNH ĐA BẰNG… ĐẦU
Từ rừng núi, các anh trở về đồng bằng đóng quân, ở với dân để chuẩn bị đón tết Bính Ngọ. “Nhìn những bông mai, bông cúc nở vàng rực rỡ trong vườn các gia đình, chúng tôi thấy nhớ Tết ở miền Bắc, thèm khát một sắc đỏ hoa đào và những hạt mưa bụi bay bay trên không trung hoặc rơi trên mái tóc của người yêu trong tiết trời se lạnh”, trung tá Trần Quý Đôn (Đại đội 73, Tiểu đoàn 7) nhớ lại.
Đại đội 73 đóng quân ở thôn An Quý, Hoài Châu. Chàng trai trẻ Trần Quý Đôn và 2 đồng đội ở cùng gia đình má Nguyễn Thị Thám. Má trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh, tính tình vui vẻ và hiền hậu, có 5 người con. Sau này, má có 2 người con trai là liệt sĩ; chồng má đã hy sinh đầu năm 1965.
Ba chàng lính trẻ được ở trong ngôi nhà lá ba gian thoáng mát, phía trước sân có vườn cây cảnh, phía sau có nhà bếp, chuồng heo, chuồng gà. Tất cả đều gọn gàng, sạch sẽ. Trên khu đất của má còn trồng gần chục cây dừa suốt ngày tỏa bóng mát.
Đồng bào Hoài Nhơn đón bộ đội về giải phóng quê hương. Ảnh tư liệu Sư đoàn 3 Sao Vàng
Những ngày giáp Tết, trên đường làng bà con đi chợ đông vui. Bộ đội cùng với nhân dân vệ sinh nhà cửa, vườn tược, ngõ xóm, không khí rất nhộn nhịp. Vui nhất là 3 ngày 27, 28, 29 Tết, nhà nào cũng đỏ lửa suốt ngày đêm nấu bánh tét, làm bánh in và trang hoàng nhà cửa...
Sau một tuần tập luyện các tiết mục văn nghệ, đêm 29 tháng Chạp, Tiểu đoàn 7 tổ chức biểu diễn tại sân trước nhà thờ Quy Thuận để tặng đồng bào các thôn. Đội văn nghệ của 4 đại đội đóng góp trên 10 tiết mục, có cả những làn điệu chèo, những bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Bà con nô nức rủ nhau đến xem và vỗ tay không ngớt sau từng tiết mục.
“12 giờ khuya mới kết thúc đêm văn nghệ nhưng bà con vẫn chưa muốn ra về. Trên đường về nhà, em Thu (con gái của má Thám) và hai cô gái đi cùng cười đùa: “Không ngờ chú diễn kịch và hát hay thế”. Sau đêm đó, tôi dành mấy đêm dạy cho ba chị em họ hát trong ngôi nhà của má Thám thân thương. Đến giờ phút giao thừa, 3 anh lính chúng tôi cùng má Thám, em Thu đứng trước bàn thờ thắp hương và khấn vái cầu mong một năm mới có nhiều may mắn với gia đình và những người lính”, ông Đôn nhớ lại.
Còn thiếu tá Nguyễn Ngọc Chiểu, nguyên Trợ lý tác chiến Trung đoàn 22, khi mới về ăn Tết ở thôn Phụng Du (Hoài Hảo) rất bỡ ngỡ, cứ ngẩn người ra khi trò chuyện vì chưa hiểu hết giọng nói, cách nói của mọi người. Các má, các chị, các em rất quý mến, thương yêu, có cái gì quý hiếm, ngon lành đều để dành cho các chiến sĩ. Từng tiểu đội nấu ăn, nhưng dân không cho nấu mà “bắt” các chiến sĩ ở nhà nào phải ăn cùng nhà ấy để dân được nuôi bộ đội.
Bữa cỗ đầu tiên ngày Tết trên chiến trường ở nhà bác Nguyễn Văn Đại (thôn Tấn Thạnh, Hoài Hảo), anh lính trẻ Nguyễn Văn Đạo và đồng đội ngạc nhiên khi thấy mâm cỗ đơn giản, mỗi đĩa thịt chỉ xếp 5 - 7 miếng mỏng tanh, nhưng ăn hết thứ gì thì tiếp lên thứ khác, nên mâm cỗ lúc nào cũng như nguyên vẹn. Bánh thì rất phong phú: Bánh tét, bánh ú, bánh nổ, bánh in, bánh khảo... Đặc biệt nhất là bát canh cá chuồn nấu với lá giang, tuyệt vời không khác nào canh cá lá me miền Bắc.
Và, ấn tượng nhất là khi ngồi xuống mâm, chủ nhà hoặc người nhiều tuổi nhất đội mấy cái bánh đa (bánh tráng) lên đầu mà bẻ làm tư, làm năm thì mới đúng phong tục ở địa phương. Trước khi ăn phải uống ly rượu, ăn vài miếng bánh đa trước, sau đó mới ăn các thức ăn khác tùy theo khẩu vị từng người.
BÁNH IN RA TRẬN ĐỊA
Không khí vui vẻ và đầm ấm ấy kéo dài đến 7 giờ mùng 8 tháng Giêng (tức ngày 28.1.1966) thì chấm dứt. Những loạt bom B52 nổ rền trên dãy núi Hưng Nhượng (giáp ranh Hoài Nhơn - An Lão) mở đầu cho cuộc hành quân “Cái Chày” của Sư đoàn Không vận Mỹ. Dứt bom, bầu trời chưa kịp yên tĩnh thì đạn pháo dồn dập dội xuống các làng mạc thuộc Hoài Hảo, Hoài Châu, Hoài Sơn, Tam Quan.
Sau đó, hàng trăm chiếc trực thăng kết thành từng bầy liên tiếp phóng rốc két và đổ quân xuống Chợ Cát, Trường Xuân, An Thái, ga Chương Hòa... Mũi tên lớn của cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất đánh vào Bắc Bình Định đã được khai diễn. Toàn Sư đoàn 3 Sao Vàng được lệnh chiến đấu. Lúc đó ở Hoài Nhơn, Trung đoàn 22 bắt đầu nổ súng.
CCB Trần Quý Đôn (thứ hai từ phải sang) dự kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng (1965 - 2015). Ảnh: QUỐC BẢO
Thời điểm ấy, các gia đình vẫn chuẩn bị đi thăm họ hàng ở các thôn, xã khác, bất ngờ nghe tiếng bom nổ dữ dội. Mọi người lao ra khỏi nhà nhìn lên dãy núi phía Tây nơi B52 đang ném bom rải thảm. Khoảng 30 phút sau, hàng trăm quả đạn pháo, đạn rốc két trên trực thăng dội liên tiếp xuống các thôn của xã Hoài Châu. Khoảnh khắc ấy làng xóm chìm trong khói lửa, nhà cháy, cây đổ ngổn ngang. Nhân dân ẩn nấp ở các hầm, chiến sĩ ôm súng lao ra công sự sẵn sàng chiến đấu.
Khoảng 10 giờ mùng 8 Tết, Tiểu đoàn 7 bắt đầu nổ súng chiến đấu với 2 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn Cộng hòa ở đèo Bình Đê, ga Chương Hòa, Tam Quan... “Mới hôm qua, các ba má, chị em đã chúc rượu chúng tôi mà hôm nay lại phải mang cơm với bánh in lao ra trận địa cho chúng tôi ăn để chiến đấu suốt ngày. Và trong những trận đánh ác liệt này, không ít người dân đã ngã xuống cùng đồng đội chúng tôi trong một đường hào, trong một công sự dưới gốc dừa. Những thẻ nhang trầm tỏa hương thơm dịu nhẹ trong ngày Tết, nay lại cắm trên các ngôi mộ mới của người dân và đồng đội ở vườn dừa và ngoài gò đồi. Những làn khói nhang bay lên tan dần trong ánh nắng xuân, đượm màu đỏ đau thương”, ông Trần Quý Đôn xúc động nhớ lại.
Những trận đánh của tết Bính Ngọ đã mở đầu cho hàng loạt trận đánh ác liệt của Trung đoàn 22 Anh hùng với Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ, Nam Triều Tiên và quân ngụy Sài Gòn trong suốt 40 ngày đêm. Địch đã thất bại nặng nề trên chiến trường trọng điểm Bắc Bình Định.
HOÀI NHÂN