Dốc sức cho những mục tiêu mới
Tùy thuộc mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, điều kiện đặc thù, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp thích ứng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phục hồi và phát triển; đồng thời dồn sức cho những mục tiêu lớn trong năm mới.
Đại dịch Covid-19 là một cú sốc lớn đối với DN trong nước nói chung và Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của các DN, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) dần hồi phục, phát triển.
CHUYỂN ĐỔI LINH HOẠT
Với nội lực vững vàng, Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội) vẫn hoạt động ổn định và tăng trưởng tốt. Năm 2021, dịch Covid-19 phức tạp nhưng Hoa Sen - Nhơn Hội đã tận dụng lợi thế tăng cường xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ, doanh thu ước đạt 11.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020; đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 300 tỷ đồng; lương và chế độ cho hơn 300 lao động vẫn duy trì và tăng 10%.
Năm 2022, Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Văn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty, cho hay: “Nhà máy chúng tôi chủ động áp dụng “3 tại chỗ” từ rất sớm, ngay trước thời điểm tỉnh Bình Định xảy ra dịch và duy trì trong 4 tháng để đảm bảo sản xuất liên tục, không đứt đoạn chuỗi cung ứng, duy trì xuất khẩu ở mức cao nhất. Đây là vấn đề then chốt cho thành công năm 2021”.
Dịch Covid-19 khiến DN rơi vào khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng giúp DN nhận ra rằng, không thể chậm trễ trong tái cấu trúc hoạt động SXKD, đặc biệt với DN xuất khẩu. Các DN xem xét yếu tố tác động, đánh giá nội lực để cân đối, chuyển dịch cơ cấu SXKD; thực hiện giải pháp quản lý điều hành hoạt động, SXKD uyển chuyển, linh hoạt và chuyển đổi số…
Cũng với cách làm chủ động như trên, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho biết, ngành gỗ Bình Định đã vượt qua khó khăn để phục hồi và tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 889,64 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Hiện các DN thành viên FPA Bình Định đã có đủ đơn hàng để sản xuất đến tháng 5.2022.
Với những DN quy mô vừa và nhỏ, thiếu hụt nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý, việc điều chỉnh mô hình kinh doanh và lập phương án dự phòng rủi ro là biện pháp cần thiết để tăng cường “sức đề kháng”. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho người lao động làm nền tảng để DN nhập cuộc trở lại.
Chuyên SXKD sản phẩm đan nhựa giả mây, nệm, mousse xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, trước đây thị trường tiêu thụ chủ yếu của Công ty TNHH-TM Hoàng Giang (xã Phước An, huyện Tuy Phước) là EU thì nay tập trung xuất sang Mỹ. “Chúng tôi chuẩn bị cụ thể cho từng giai đoạn, cùng với hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, hoạt động SXKD được duy trì ổn định, doanh thu năm 2021 tăng 20% so với năm trước; ổn định việc làm cho hơn 1.000 lao động, thu nhập 7 - 10 triệu đồng/ người/tháng”, Giám đốc Phan Hồng Quý chia sẻ.
SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC
Thành công đáng kể nhất của Bình Định trong thu hút DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là việc mời gọi thành công Tập đoàn Kurz (CHLB Đức). Cuối năm 2021, Công ty CP Becamex Bình Ðịnh - chủ đầu tư dự án Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định - xây dựng chiến lược đột phá nhắm đến các DN, tập đoàn công nghệ cao đến từ EU. Năm 2022, đơn vị phối hợp với tỉnh, cùng Phòng Công nghiệp và thương mại Đức dự kiến các hội thảo, xúc tiến đầu tư trực tuyến hoặc trực tiếp với các DN tại Đức.
“Trong trạng thái bình thường mới, khi Việt Nam sớm duy trì, kiểm soát được dịch bệnh sẽ mang đến cơ hội thu hút các DN FDI, cơ hội cũng đến với Becamex VSIP Bình Định. Chúng tôi khẩn trương về mặt bằng, hạ tầng nhằm đón “đại bàng” về Bình Định thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Ðịnh, nhấn mạnh.
Giữ vững thị trường nội địa, cùng thị trường xuất khẩu châu Âu đã có, khai thác thêm thị trường ở Đông Nam Á và châu Mỹ để gia tăng sản lượng xuất khẩu… là chiến lược mà Công ty Hoa Sen - Nhơn Hội xây dựng trong năm 2022.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vũ Hồng Quân cho rằng, với DN vừa và nhỏ, kế hoạch SXKD năm 2022 sẽ được cân nhắc phù hợp tình hình và nguồn lực mỗi DN, dựa trên việc điều chỉnh mô hình kinh doanh tinh gọn và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như tín dụng, miễn giảm thuế phí, chính sách lao động, hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, với những DN đã hoạt động ổn định, thời điểm này là cơ hội để rà soát, cải thiện, tinh gọn quản trị điều hành, cũng như nghiên cứu phát triển một số sản phẩm, dịch vụ mới để phát triển doanh số và thị phần.
Dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu lớn cho DN về chuyển đổi công nghệ SXKD, công nghệ số.
Xây dựng những giải pháp trọng tâm cho mục tiêu 2022, ông Lê Minh Thiện nhấn mạnh FPA Bình Định sẽ tham mưu xây dựng chính sách phát triển, phân tích đánh giá thị trường thông qua các kênh hợp tác với các hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ. Đặc biệt, FPA Bình Định phối hợp với Cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm triển khai tuân thủ Nghị định 102 của Chính phủ, nhất là đạt kết quả phân loại DN ngành gỗ. Triển khai mở rộng hệ thống trách nhiệm giải trình trực tuyến về nguồn gốc gỗ của Hiệp hội do Chương trình FAO-EU FLEGT tài trợ. Phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng 2035”. Mở rộng triển khai chiến lược phát triển Bình Định trở thành một trong những trung tâm sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí với các DN tiên phong cho thị trường Mỹ, Anh. Tiếp tục xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” cho nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất bằng cách tăng thị phần tại những thị trường chính…
Ở khía cạnh cạnh tranh, theo ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, các DN ngành gỗ đang đứng trước khó khăn khi sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại cơ sở ở các nước láng giềng châu Âu, rồi các công ty Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động.
THU HIỀN