Hạnh phúc của nhân dân là niềm vui của người lính
Trên mọi mặt trận, bộ đội luôn có mặt, vững tư tưởng, bền ý chí, sắt son một lòng với Đảng, hy sinh quên mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
GIAN KHÓ CÓ BỘ ĐỘI
Trong “cuộc chiến” trường kỳ chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã thể hiện rõ vai trò của lực lượng nơi tuyến đầu.
Bộ đội biên phòng tặng và cùng treo cờ Tổ quốc trên tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Hoài Nhơn. Ảnh: THANH BÌNH
Có thâm niên công tác gần 17 năm trong quân đội, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Điểm (Trung đoàn Bộ binh 739, Bộ CHQS tỉnh) nói rằng công việc chính của mình là nuôi quân, năm nay thêm nhiệm vụ “nuôi dân”. Nấu ăn phục vụ công dân trong khu cách ly tập trung, chị Điểm thường bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng và luôn tay luôn chân đến sau 19 giờ. Gần 6 tháng qua, chị phải ở lại đơn vị để làm nhiệm vụ. Gác lại nỗi nhớ gia đình, mỗi ngày chị nỗ lực bảo đảm cơm chín, nước sôi, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng bữa ăn. “Công việc tuy vất vả nhưng tôi luôn có sự hậu thuẫn, đồng cảm sâu sắc từ gia đình. Ngoài ra, các công dân đang cách ly cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm và gửi những lời cảm ơn ấm áp. Đây thực sự là động lực rất lớn để tôi và đồng đội vượt qua mệt mỏi, làm tốt nhiệm vụ được giao”.
Chị Điểm chỉ là một trong số rất nhiều điển hình của LLVT tỉnh đã và đang thầm lặng hằng ngày, hằng giờ góp sức mình cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, mà một trong số những phần việc đó là tổ chức tiếp nhận cách ly tập trung đúng quy định, đảm bảo an toàn cho gần 19.560 công dân tại 7 điểm của tỉnh và 55 điểm cấp huyện.
Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức tiếp nhận cách ly tập trung đúng quy định, đảm bảo an toàn, chu đáo cho gần 19.560 công dân. Ảnh: HỒNG PHÚC
Chuyện khó nhất, có bộ đội. Đó là việc Bộ CHQS tỉnh tổ chức tiếp nhận trang trọng, chu đáo tro cốt của đồng bào trong tỉnh không may qua đời vì Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đưa về cho thân nhân. Bà Trịnh Thị Băng (57 tuổi, xã Cát Minh, huyện Phù Cát), em ruột một nạn nhân mất vì Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chị tôi mất nhưng được bộ đội và chính quyền lo chu đáo. Gia đình được an ủi nhiều”.
Theo đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, không chỉ trong công tác phòng, chống dịch, tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh còn thể hiện ở hình ảnh người lính xuyên đêm cứu người, di dời tài sản người dân trong nước lũ hay sạt lở đất. Đó còn là bóng dáng những đoàn quân áo xanh mũ cối giúp dân khắc phục hậu quả sau khi lũ rút… “Hình ảnh người lính đã trở thành biểu tượng trong việc giúp dân vượt qua những thời khắc khó khăn nhất”, đại tá Hải bày tỏ.
BÁM CHỐT, BÁM BIÊN, BÁM ĐỊA BÀN
Bám sát diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã 3 lần điều động cán bộ, chiến sĩ chi viện cho các “điểm nóng” nhằm đảm bảo giữ vững thành trì chống dịch ở cửa ngõ biên giới phía Tây Nam.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh được tăng cường tham gia tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới với Campuchia tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: M.C
Khi được hỏi “Anh có chút đắn đo nào không khi quyết định xung phong lên đường chi viện cho biên giới Tây Nam?”, thượng úy Lê Minh Chung (cán bộ Phòng Trinh sát BĐBP tỉnh Bình Định, hiện là Chốt trưởng chốt số 6, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, BĐBP tỉnh Kiên Giang) không ngần ngại đáp: “Tôi là người lính, khi Tổ quốc cần là xung phong lên đường. Tôi coi đây là cơ hội để cống hiến và trưởng thành hơn”.
Quyết tâm của thượng úy Chung cũng là suy nghĩ của tất cả 120 cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP tỉnh đã và đang được tăng cường làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 ở biên giới Tây Nam. Không ai kể về những khó khăn, vất vả trên biên giới, nhưng hình ảnh từ những ngày đầu tiên lạ nước lạ cái ở địa bàn mới đã nói lên phần nào sự kiên cường của lính quân hàm xanh trên mặt trận chống dịch. Đó là cao điểm mùa mưa, bộ đội biên phòng đi tuần tra phải lội sình, khi nước lớn thì bằng vỏ lãi, điều kiện ăn ở bất tiện, muỗi nhiều vô kể, khó mà tròn giấc... Tuy vậy, các anh luôn động viên nhau duy trì trực chốt 24/24 giờ, kiểm soát tất cả các khu vực để giữ vững địa bàn.
Gác lại niềm riêng, hoãn việc cưới vợ, trung úy Võ Tấn Nhất (Đồn Biên phòng Mỹ An) lên đường tăng cường làm Chốt trưởng chốt số 1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (BĐBP tỉnh Kiên Giang). Quá trình làm nhiệm vụ, trung úy Nhất cùng các đồng đội đã lập được chiến công khi ngăn chặn được 1 vụ nhập cảnh trái phép và bắt 1 vụ buôn lậu 750 gói thuốc lá. “Tội phạm buôn lậu hay người có ý định xuất nhập cảnh rất tinh vi, nếu họ thấy mình không “động tĩnh” thì sẽ lợi dụng để hành động. Nên dù ban ngày hay ban đêm, việc tuần tra, kiểm soát phải được duy trì liên tục, không lơ là, mất cảnh giác”, anh Nhất chia sẻ.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát). Ảnh: HỒNG PHÚC
Có thể nói, trên trận tuyến không tiếng súng chiến đấu với “giặc” Covid-19, lực lượng BĐBP tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng các lực lượng và nhân dân lập nên phòng tuyến vững chắc trên các tuyến biên giới, biển đảo. Đại tá Phan Trường Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đều tự nhận thấy vai trò, trách nhiệm của bản thân, quyết tâm kiểm soát, bảo vệ vững chắc biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”.
HỒNG PHÚC