Chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Ðông Xuân
Vụ Ðông Xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất chung. Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông (đều thuộc Sở NN&PTNT) phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất và sinh trưởng của cây lúa nhằm phát hiện sớm các sâu bệnh hại. Ảnh: THU DỊU
Hiện nay nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được hơn 47.000/47.685 ha theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Hiện trên cây lúa bắt đầu xuất hiện các bệnh như: Đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá... Các nhóm cây trồng cạn xuất hiện các loại bệnh sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), giai đoạn này cây trồng đang vào độ sinh trưởng, do đó phải chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng trước dịch hại. Ngành Nông nghiệp cử cán bộ giám sát từng địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tiến độ sản xuất, sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh để phòng trừ.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho biết, hiện Chi cục tăng cường công tác điều tra phát hiện dịch bệnh, hỗ trợ dân bằng dự báo thời điểm phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại trên tất cả các loại cây trồng - thời điểm trước, trong và sau tết Nhâm Dần 2022, lưu ý nông dân đề phòng đối tượng: Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, ... trên lúa; sâu keo mùa thu trên bắp. Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, đạt hiệu quả.
Đối với cây lúa, hướng dẫn bà con nông dân cần tập trung thăm đồng, chăm sóc cho cây trồng trong thời gian trước Tết. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết để có những biện pháp ứng phó kịp thời, chú ý các biện pháp phòng chống rét cho lúa. Từng loại bệnh đều có hướng dẫn xử lý cụ thể theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đối với cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, rau màu các loại, cần tranh thủ thời tiết nắng ráo, đất còn đủ ẩm tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, phấn đấu gieo trồng đạt diện tích theo kế hoạch đề ra; tiếp tục tỉa dặm, làm cỏ và bón phân đối với các diện tích đã gieo trồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác diệt chuột trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2021 - 2022 bằng nhiều biện pháp như theo hướng dẫn của Chi cục TT&BVTV.
Những ngày qua các địa phương trong tỉnh như Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn... khẩn trương triển khai công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân. Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay, đây là giai đoạn quan trọng trong chăm sóc cây trồng để đảm bảo vụ mùa bội thu, do đó, công tác phòng trừ bệnh hại rất quan trọng. Chính quyền các cấp hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin, thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phác đồ hướng dẫn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Chúng tôi tích cực phối hợp với chính quyền các cấp hướng dẫn bà con nông dân tập trung theo dõi, kiểm tra tình hình sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân; đến nay, diện tích thực hiện sản xuất cây lúa 4.158/4.200 ha kế hoạch, đạt tỷ lệ 99%; cây bắp 527/700 ha kế hoạch, đạt tỷ lệ 75,4%; đậu phụng 56 ha; rau đậu các loại 290 ha. Về cơ bản, tiến độ sản xuất đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch đã xây dựng.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho hay, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trung tâm tích cực phối hợp với cơ sở trong công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân; hướng dẫn các biện pháp và chuyển giao kỹ thuật để bà con nông dân nắm bắt và triển khai hiệu quả trên đồng ruộng thông qua các mô hình khuyến nông phù hợp.
THU DỊU