Củng cố hệ thống vệ tinh võ cổ truyền
Phát triển hệ thống phong trào võ cổ truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn tinh hoa từ các võ đường. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn cung cấp VÐV chủ yếu cho các đội tuyển để huấn luyện, đào tạo đủ khả năng chinh chiến ở các giải quốc gia.
Sau khi nhận chuyển giao hệ thống vệ tinh từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tháng 8.2020, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của các vệ tinh. Qua đó, tiếp tục đề xuất Sở VH&TT ký hợp đồng với những CLB, võ đường có sự phát triển ổn định, thường xuyên cung cấp VĐV cho đội tuyển; đồng thời, thay thế những vệ tinh có dấu hiệu chững lại bằng các nhân tố mới có nhiều khởi sắc trong thời gian qua.
Các võ sinh võ đường Kim Hoàng đấu kiểm tra. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Định kỳ hằng quý, đội ngũ võ sư, HLV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đến tận CLB, võ đường để thăm hỏi tình hình hoạt động, kiểm tra, đánh giá, tuyển chọn những võ sinh có tố chất vào đội tuyển. Các HLV của Trung tâm còn phổ biến những điểm mới trong luật thi đấu; hướng dẫn một số kỹ thuật mới để HLV tại các vệ tinh nắm bắt, truyền đạt lại cho học trò. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hỗ trợ dụng cụ tập luyện cho các võ đường, CLB có thêm điều kiện để tập luyện.
Tham gia cùng đoàn kiểm tra vệ tinh từ ngày 20 - 22.1 vừa qua, chúng tôi nhận thấy cách thức làm việc khoa học, nhanh nhẹn của đội ngũ võ sư, HLV Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Hiện có 5 võ đường, CLB được chọn làm vệ tinh gồm: Hồng Kha, Năm Phương, Hồ Bé, Kim Huệ, Kim Hoàng. Trong đó, võ đường Kim Huệ (huyện Tuy Phước) chuyên sâu ở nội dung hội thi; võ đường Năm Phương (TX An Nhơn), Hồ Bé (huyện Tây Sơn) chủ yếu tập trung vào nội dung đối kháng. Còn võ đường Hồng Kha (TP Quy Nhơn) và Kim Hoàng (TX Hoài Nhơn) phân bổ đều ở 2 nội dung.
Đợt này, võ đường Kim Huệ chỉ giới thiệu 9 võ sinh trẻ để kiểm tra. Theo đánh giá của các HLV, một số em thể hiện được sự khéo léo, uyển chuyển khi biểu diễn quyền và binh khí, nhưng cũng có một số điểm cần khắc phục để hoàn thiện hơn. Võ sư Kim Huệ chia sẻ: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nên việc tập luyện của võ đường bị gián đoạn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực, kỹ thuật của các võ sinh. Ngay sau khi tình hình ổn định trở lại, tôi sẽ cho các em tập luyện thường xuyên hơn, rèn giũa các động tác sắc sảo hơn”.
Theo luật thi đấu mới ở các giải trẻ quốc gia do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành, nội dung đối kháng bổ sung thêm 3 lứa tuổi. Do đó, việc tìm kiếm lực lượng để chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới được các HLV tính toán. Võ sư Lê Công Bút, Trưởng phòng Huấn luyện - Nghiệp vụ (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) kiêm HLV nội dung đối kháng, cho biết: “Việc tăng nội dung thi đấu ở các lứa tuổi trẻ là cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong công tác tuyển chọn, đào tạo. Vì vậy, chúng tôi phải liên hệ chặt chẽ với các võ đường, CLB nhằm tìm kiếm nguồn VĐV, tăng cường trao đổi thông tin về giáo án tập luyện… Bên cạnh đó, đơn vị cũng vận động các nguồn xã hội hóa để có dụng cụ tập luyện trao tặng các võ đường”.
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, chia sẻ: Hiện nay, mức hỗ trợ dành cho các vệ tinh còn khá khiêm tốn, nên chúng tôi phải luôn sát cánh cùng võ đường, CLB để động viên họ tiếp tục phát huy những thế mạnh của riêng mình, nhằm phát hiện, đào tạo cơ bản cho võ sinh. Ngoài những đợt kiểm tra theo kế hoạch, chúng tôi còn yêu cầu các HLV thường xuyên xuống cơ sở để quan sát, hỗ trợ kịp thời để phong trào được giữ gìn và phát huy một cách tốt nhất.
HOÀNG QUÂN