Đẩy mạnh bảo tồn nguồn gen của tỉnh
UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh Bình Định đến năm 2025. Đề án là cơ sở để bảo tồn, phát triển đa dạng nguồn gen đặc hữu, có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc phỏng vấn TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN về vấn đề này.
* Bình Định được ghi nhận là địa phương có đa dạng sinh học, vậy việc bảo tồn sự đa dạng này hiện ra sao, thưa ông?
- Đúng là thiên nhiên ưu đãi cho Bình Định có sự phong phú về các loài động vật, đa dạng các loài thực vật với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, đặc biệt là nguồn gen thực vật, cây trồng. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên của con người cùng với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp đã gây suy thoái đa dạng sinh học.
Số lượng các loài động vật, thực vật, vi sinh vật đang giảm dần. Điều này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, mất dần các nguồn gen quý, hiếm của động, thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; các giống cây trồng đặc trưng bản địa có nguồn gen quý và có giá trị kinh tế cao đang có nguy cơ thoái hóa, lẫn tạp và khả năng biến mất trong tự nhiên.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã xây dựng “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025” nhằm mục tiêu vừa bảo tồn vừa khai thác có hiệu quả các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2025. Đề án nằm trong Chương trình bảo tồn về sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ KH&CN.
Giống lúa cạn (lúa rẫy) của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng của dự án bảo tồn nguồn gen của tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ
* Vậy mục tiêu của Đề án là gì, thưa ông?
- Mục tiêu đề án là bảo tồn được 56 nguồn gen một số loài thực vật, vi sinh vật, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là thu thập, đánh giá hiện trạng bảo tồn 50 nguồn gen vi sinh vật và 6 nguồn gen thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định các yếu tố sinh thái, điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các nguồn gen. Đồng thời, xây dựng các mô hình bảo tồn, cũng như đề xuất biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển các nguồn gen trên.
* Thưa ông vậy cụ thể nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh thời gian tới ra sao?
- Sở KH&CN là đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện đề án bảo tồn nguồn gen của tỉnh. Đối với nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ở cấp quốc gia, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen và kế hoạch bảo tồn, phát triển đa dạng nguồn gen vi sinh vật phục vụ nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường tại Bình Định. Nhiệm vụ này sẽ do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) thực hiện, dự kiến bắt đầu từ năm nay. Kết quả dự kiến đạt được là bảo tồn 50 nguồn gen vi sinh vật nguồn gen vi khuẩn, xạ khuẩn sinh kháng sinh có giá trị trong y dược.
Nhân giống và phân lập các giống cây, giống hoa đặc trưng của tỉnh tại đơn vị thuộc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định. Ảnh: HỒNG HÀ
Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ở cấp tỉnh sẽ thực hiện 3 nội dung. Một là, bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng như: lúa cạn, lúa nếp, bắp nếp và giống mì ngọt có nguồn gốc bản địa gắn phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, dự kiến tiến hành trong năm nay. Hai là, bảo tồn nguồn gen dừa nước nhằm phục hồi rừng ngập mặn, phục vụ du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, dự kiến thực hiện từ năm 2023. Ba là, bảo tồn nguồn gen lan Đai Châu phân bố ở rừng An Lão của tỉnh, thực hiện từ năm 2023. Kết quả dự kiến sẽ bảo tồn 6 nguồn gen của một số giống lương thực, cây trồng và giống hoa đặc trưng tại địa phương, gồm: Giống lúa cạn: Tà Bul, Ba Băk, BaTrăng, H’Ngok; Giống bắp nếp (nương rẫy); Giống nếp Ngự thuần; Giống mì ngọt bỡ địa phương; Cây Dừa nước; Lan Đai Châu.
* Xin cảm ơn ông!
HỒNG HÀ (thực hiện)