Bình Định & sứ mệnh thủ phủ Liên khu 5
Từ năm 1946 đến trước khi ký kết Hiệp định Giơ ne vơ tháng 5 năm 1954, vùng từ Phú Yên trở ra Bình Định, Quảng Ngãi đến một nửa tỉnh Quảng Nam là vùng tự do của ta. Vùng tự do này đã trở thành hậu phương vững chắc, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Trung bộ nói riêng, của cuộc kháng chiến cả nước nói chung.
Trong thời gian này, với những ưu thế và điều kiện địa lý, kinh tế, đất đai, dân tình… tỉnh Bình Định trở thành thủ phủ của Liên khu 5 kháng chiến.
Việt Bắc của miền Trung
Hồi đó Liên Khu ủy Khu 5, Ủy ban Kháng chiến hành chánh miền Nam Trung bộ, cơ quan Thông tin tuyên truyền, Tòa án, Tư pháp, Mặt trận Liên Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà in Sao Vàng, cơ quan in bạc tín phiếu… đều đóng tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão của Bình Định. Đài Phát thanh “Tiếng nói Nam bộ” cũng được đặt tại huyện An Lão, hằng ngày phát đi các tin tức “kháng chiến trong Nam”, phản bác luận điệu xuyên tạc của địch bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp…
Để đảm bảo bí mật, đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ấy là Bí thư Khu ủy Khu 5 kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Trung bộ, đã chuyển cả vợ con từ Nghệ An vô sống tại thôn Du Tự, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân.
Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chánh miền Nam Trung bộ từ năm 1946 - 1949 đặt tại nhà ông Nguyễn Trọng Phú ở xóm 3, thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh. Nơi đây từng diễn ra các cuộc họp quan trọng và phát đi những chủ trương của Đảng và Chính phủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Đảng, Chính phủ ở Liên khu 5 cũng từng sống và làm việc ở đây.
Trong kháng chiến, Hoài Nhơn từng là thủ phủ của Nhà nước kháng chiến Nam Trung bộ.
- Trong ảnh: Một góc TX Hoài Nhơn hôm nay. Ảnh: DŨNG NHÂN
Có câu chuyện vui mà người viết được nghe đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kể. Năm 1994, đồng chí Trần Thị Thanh Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình về thăm và làm việc tại Bình Định. Trong nhiều chương trình kế hoạch của Ủy ban xây dựng, hỗ trợ cho Bình Định, có chương trình Bộ trưởng đi thăm huyện Hoài Ân và hỗ trợ cho Hoài Ân xây dựng thành lập một nhà trẻ.
Trong lúc trò chuyện thân tình, đồng chí Nguyễn Trung Tín hỏi vui Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh:
- Cô có phải là dân Hoài Ân đâu mà cảm tình với Hoài Ân nhiều thế?
- Cháu đã được mẹ sinh ra ở Hoài Ân và sống ở đây suốt mấy năm kháng chiến chống Pháp. Cháu biết ơn người dân Hoài Ân đã nuôi cháu ăn học đến ngày tập kết ra Bắc năm 1955 - Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh xúc động bộc bạch.
Hỏi kỹ mới biết Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh là con của đồng chí Trần Vỹ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Trung bộ.
Đặc biệt, hồi đó các cơ quan Liên khu 5 đã đón tiếp, chăm sóc cha mẹ vợ và nuôi dưỡng hai con của Hoàng thân Xu pha nu vông, lãnh tụ Pa Thét Lào ở Năng An (Ân Tín) cho đến ngày tập kết.
Năm 1948, Hội Văn nghệ Liên khu 5 được thành lập cũng đóng tại Hoài Ân và Bồng Sơn. Nhà thơ Tế Hanh, người Quảng Ngãi, từng tham gia Ban lãnh đạo Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ và lãnh đạo Hội Văn nghệ Liên khu 5 đã có nhiều năm gắn bó với Bồng Sơn và đất Bình Định, và ông đã “mọc rễ xanh cây” trên mảnh đất này.
Điều hết sức đặc biệt là thời ấy, các cơ quan, cán bộ của Liên khu 5 đều đóng - ở ngay trong nhà dân. Mọi gia đình có khả năng đều nhường nhà trên, chỗ tốt nhất cho cách mạng, còn chính chủ nhà sẽ ở nhà dưới, hay nhà bếp.
Bồng Sơn, đô thị kháng chiến sầm uất
Ngày ấy, thị trấn Bồng Sơn của huyện Hoài Nhơn là nơi hội tụ dân cư từ Bắc Quảng Nam vào và từ Phú Yên, Khánh Hòa ra. Khi địch đánh chiếm Đà Nẵng và Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Tuy Hòa, hàng nghìn người dân các vùng này đã tản cư về Bồng Sơn, Hoài Ân làm ăn sinh sống, tạo cho vùng đất này mật độ dân số càng thêm đông đúc, hoạt động kinh tế, giao lưu, buôn bán rất sôi động.
Là thủ phủ của nhà nước kháng chiến Nam Trung bộ, Bồng Sơn đã trở thành một đô thị kháng chiến sầm uất. Đường giao thông bị phá hủy trong kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến” được khôi phục nhanh. Cán bộ đi công tác, có thể đi bằng xe đạp, ô tô hoặc tàu hỏa đều thuận tiện. Ô tô chạy bằng than hầm trên QL 1 từ Bồng Sơn vào Đập Đá (An Nhơn); hằng ngày xe lửa từ Bồng Sơn vào các huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Khi không chạy, để tránh máy bay địch đánh phá, các đầu máy, toa xe lửa đều được cất giấu trong hầm đồi, núi. Ngoài ra người dân còn có thể đi ghe, thuyền, xe đạp thồ…
Giao thông thuận tiện, việc sản xuất, buôn bán càng nhộn nhịp. Các địa phương Bình Định là nơi sản xuất các loại hàng tiêu dùng như vải vóc, giấy bút học sinh, còn có cả thuốc lá thơm, rượu, cà phê cung cấp cho cả vùng tự do miền Trung… Lúc này ở đây bà con ta sử dụng đồng tiền tín phiếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để mua bán.
Một nền kinh tế tự túc tự cấp đáng tự hào
Những năm đó nền kinh tế tự túc, tự cấp của Bình Định rất phát triển, phải nói là phát triển toàn diện. Cũng như toàn dân Liên khu 5, người dân Bình Định ra sức sản xuất, phải tự lực phát triển kinh tế để cung cấp cho đời sống và phục vụ tốt cho kháng chiến. Vì vậy, sản xuất lương thực của ta ở vùng tự do đến năm 1949 đủ ăn, còn có dự trữ và tiếp tế cho chiến trường.
Trong thời kỳ này, sản xuất thủ công được đặc biệt quan tâm, khuyến khích phát triển, trước hết là vải, giấy cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và hóa chất phục vụ sản xuất vũ khí. Phong trào trồng bông, dệt vải phát triển mạnh, song song với nghề trồng lúa. Vì “Áo ta chưa ấm lòng, cấy lúa ta trồng bông”, nên hàng nghìn héc ta bông vải được trồng ở nhiều huyện trong tỉnh, thúc đẩy nghề dệt vải; cùng với đó còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa cũng được phát triển mạnh ở các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân.
Người Bình Định hãnh diện với vải Sita một thời nổi tiếng. Cán bộ, nhân dân thường bận bà ba trắng Sita. Sau đó có sáng kiến lấy củ nâu, cây chàm nhuộm vải màu nâu, màu chàm, mặc tiện lợi. Về sau, từ những khung cửi gia đình, vải Sita đi vào nhiều xí nghiệp ở miền Trung, được sản xuất đẹp và bền hơn, ngày càng được bộ đội và nhân dân ưa thích. Vải sản xuất đủ cung cấp cho nhân dân và bộ đội ở Nam Trung bộ, còn bán ra Khu 4 và vào Nam bộ.
Bình Định còn có những xưởng sản xuất bột giấy, làm giấy bổi; xưởng sản xuất xà phòng, dầu dừa; có cả xưởng sản xuất vũ khí, lựu đạn phục vụ cho chiến trường. Hàng tiểu thủ công nghiệp Bình Định còn có như bún Song Thằn ở An Thái (An Nhơn), làm từ đậu xanh; mì hạt Mioca - làm từ tinh bột mì; sữa bò ở La Vuông (Hoài Nhơn) và sữa dê được chế biến thành sữa thẻ; nhiều lò đường thủ công phát triển làm đường miếng, đường vàng từ cây mía; làm bánh tráng từ gạo, củ mì…
Sôi động phong trào thi đua yêu nước
Phong trào giáo dục, bình dân học vụ mở ra sôi nổi ở khắp nơi. Có những trường phổ thông được tổ chức bài bản, thu nhận những học sinh có chất lượng, như Trường tiểu học Cường Để - Trường Quốc học Quy Nhơn, sau đó chuyển thành Trường Hòa Bình sơ tán ở xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn và Bồng Sơn. Hầu hết số học sinh này, sau hòa bình được đưa ra miền Bắc tập kết, đào tạo cán bộ tương lai cho đất nước, cho quê hương.
Nhiều phong trào yêu nước như phong trào “Mẹ chiến sĩ” trong Hội Phụ nữ; Phong trào “Tòng quân đánh giặc” trong thanh niên… Đặc biệt là phong trào “Đi dân công hỏa tuyến” đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rầm rộ. Cũng như đồng bào các vùng tự do, người dân Bình Định đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh, từ năm 1948, trung bình mỗi năm đã có hàng chục vạn lượt người, bằng mọi phương tiện ngựa, xe đạp, quang gánh… vận chuyển hàng nghìn tấn gạo, muối, vũ khí, nông cụ từ hậu phương đến các mặt trận Kon Tum, Gia Lai.
Trong thời gian này, phong trào văn nghệ cũng phát triển mạnh, đặc biệt hát tuồng, hô hát bài chòi được phổ biến rộng rãi. Đoàn văn công bộ đội Liên khu 5 là đơn vị văn công đầu tiên trong cả nước được thành lập tại Hoài Hảo, Hoài Nhơn. Tiếp theo đó là Đoàn văn công Liên khu ủy, Đoàn tuồng kháng chiến Bình Định cũng được thành lập. Có nhiều vùng hình thành các rạp hát. Những đêm trăng sáng, những đoàn tuồng, đoàn hát bài chòi dựng sân khấu biểu diễn ngay trên cánh đồng, sau vụ gặt, hát hết đêm này sang đêm khác, phục vụ không mệt mỏi cho người dân Bình Định khát khao nghệ thuật. Đến cả như huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng có gánh hát tuồng, biểu diễn lưu động phục vụ đông đảo nhân dân.
Với những nỗ lực to lớn, bằng sự phấn đấu cao cả của một vùng hậu phương vững chắc, Bình Định đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của một quê hương - Thủ phủ của Liên khu 5 anh hùng.
BÙI THỊ XUÂN MAI