KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930 - 3.2.2022)
Bát ngát mùa Xuân
Kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đúng vào mùng Ba tết Nhâm Dần 2022; vì thế thêm phần ý nghĩa, thiêng liêng giữa không khí náo nức mùa Xuân mới - mùa Xuân của hy vọng phục hồi và phát triển...
Ngọn lửa soi đường cho dân tộc
Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ngày 3.2.1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939 và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Để rồi, đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2.9.1945.
“Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, khi chúng ta vừa vượt qua một năm đầy khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịp này, chúng ta tổ chức gắn biển 2 công trình: Đường ven biển tỉnh Bình Định (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) và đường vào Cảng hàng không Phù Cát. 2 công trình giao thông trọng điểm này hoàn thành, đưa vào sử dụng có vai trò rất lớn trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển KT-XH trước mắt cũng như về lâu dài”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (năm 1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng CNXH, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.
Non sông nối liền một dải, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, dựng xây đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực và thế giới.
Quê hương cất cánh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Bình Định đã vượt qua vô vàn thử thách, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, lần lượt giành nhiều thắng lợi vẻ vang, giải phóng quê hương vào ngày 31.3.1975. Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Bình Định lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tiếp tục vượt mọi khó khăn, trở ngại, phát triển KT-XH với từng bước đi vững chắc. Thành quả ấy là nền tảng vững chắc để phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển hàng đầu ở khu vực miền Trung.
Đầu năm 2022 này, một sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức đúng vào ngày 3.2: Lễ gắn biển công trình chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Đường ven biển tỉnh Bình Định (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) và đường vào Cảng hàng không Phù Cát. Đây là sự kiện ghi dấu thành công bước đầu trong quá trình thực hiện khâu đột phá thứ 3 đặt ra từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX “Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh”.
Đường ven biển tỉnh Bình Định (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) là tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh, được đầu tư xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện đường ven biển đi qua tỉnh. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Dự án đường ven biển tỉnh Bình Định (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) có tổng mức đầu tư 1.262 tỷ đồng; tổng chiều dài 23,2 km, nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Phù Cát. Dự án đường vào Cảng hàng không Phù Cát có tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng; tổng chiều dài 3,2 km, đi qua địa bàn huyện Phù Cát và TX An Nhơn.
Theo ông Lê Từ, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, đường ven biển tỉnh Bình Định (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) được đầu tư xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện đường ven biển đi qua tỉnh, phục vụ phát triển KT-XH và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực, tạo trục cảnh quan kết nối huyện Phù Cát với TP Quy Nhơn và phát triển quỹ đất dọc hai bên tuyến đường. Đồng thời, hình thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn nhân dân ven biển trong mùa mưa bão và kịp thời ứng phó trong công tác an ninh, quốc phòng khi có tình huống xảy ra.
Hiện nay, các đoạn ven biển còn lại đang được triển khai xây dựng và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để góp phần hoàn thiện Đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định, như đoạn Lại Giang - Thiện Chánh (dự kiến hoàn thành trước 30.4.2022), đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (dự kiến hoàn thành trước 30.6.2022), đoạn Điện Biên Phủ nối dài - khu đô thị Diêm Vân (dự kiến hoàn thành trong quý I/2023)...
Trong khi đó, đường trục Khu kinh tế nối dài kết nối từ Khu kinh tế Nhơn Hội về QL 1A đã được đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020. Đường vào Cảng hàng không Phù Cát nối tiếp đường trục Khu kinh tế nối dài được đầu tư nhằm hoàn thiện tuyến đường kết nối đồng bộ từ Khu kinh tế Nhơn Hội về Cảng hàng không Phù Cát.
“Đường vào Cảng hàng không Phù Cát được đầu tư xây dựng nhằm hoàn chỉnh hạ tầng cửa ngõ ra, vào sân bay, tạo điều kiện thuận lợi khai thác du lịch, đón khách quốc tế thông qua Cảng hàng không Phù Cát và đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ tốt hành khách của các chuyến bay, đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh, quốc phòng trong khu vực”, ông Lê Từ cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG