Năm hổ, check-in các cụm biểu tượng linh vật
Cùng với một số điểm check-in khác, dịp Tết này, những cụm biểu tượng linh vật gia đình hổ sinh động, thú vị tại TP Quy Nhơn và một số huyện, thị xã là một điểm check-in không nên bỏ qua.
Hoành tráng nhất là cụm linh vật đặt tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) với 8 thành viên trong gia đình hổ, gồm hổ bố, hổ mẹ và 6 hổ con trên nền danh thắng quần thể Tháp Bánh ít, một kiến trúc Chăm pa nổi tiếng của tỉnh Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1982.
Cụm biểu tượng linh vật Xuân Nhâm Dần tại TP Quy Nhơn. Ảnh: N.N
Cụm biểu tượng linh vật ở phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) thể hiện rõ nét đặc trưng xứ Dừa với đoàn thuyền đánh cá, những chú cá ngừ đại dương, cây dừa Tam Quan đã đi vào thơ ca.
Cụm biểu tượng chào Xuân Nhâm Dần tại TX Hoài Nhơn. Ảnh: N.N
Ở huyện Hoài Ân, tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, cụm biểu tượng khá nhẹ nhàng với cặp hổ bố mẹ và chú hổ con bên cạnh hồ sinh thái.
Biểu tượng linh vật Xuân Nhâm Dần tại huyện Hoài Ân. Ảnh: N.N
Theo họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Đức Nhân (TP Quy Nhơn), đơn vị thi công các cụm biểu tượng linh vật năm nay, thông điệp chung của các cụm biểu tượng linh vật là “Tết an yên”, gửi gắm mong muốn về một năm bình yên, suôn sẻ, hanh thông. Sau những biến cố trong năm cũ, ai cũng muốn về nhà sum họp, đoàn viên, nhất là những người xa quê. Các cụm biểu tượng đều được anh mở thoáng tầm nhìn để thấy được tất cả các mặt. Những đặc trưng của Bình Định được đan xen, chấm phá, tạo ra những nét rất riêng, rất khác biệt của biểu tượng linh vật tại Bình Định.
NGỌC NGA