Nhà hát tuồng Đào Tấn dựng tuồng của Nguyễn Diêu
Vở tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của nhà soạn tuồng lỗi lạc Nguyễn Diêu đang được Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHTĐT) khai thác, dựng phục hồi theo hướng nâng cao, với tên gọi mới “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc”.
Tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” còn có các tên gọi khác như “Cổ miếu vãn ca”, “Tiết Giao đoạt ngọc”, “Võ Tam Tư chém cáo”, “Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô”… Nội dung tuồng xoay quanh tấn bi kịch tình yêu của nàng Nguyệt Cô - một con cáo nhờ tu luyện hàng ngàn năm mà thành người. Nàng xông pha giúp chồng là Võ Tam Tư đi đánh Tiết Giao thì gặp phải tiếng sét ái tình - cũng chính là Tiết Giao bại trận mà đáng lý ra Nguyệt Cô phải xuống gươm. Nguyệt Cô không nỡ ra tay dứt tình với Tiết Giao để rồi sau đó bị Tiết Giao “giả vờ yêu” đoạt mất chất “ngọc Người” khiến nàng phải quay về kiếp cáo. Hiện nguyên hình cáo, Nguyệt Cô vong mạng dưới lưỡi gươm của chồng.
“Cùng đề tài về nhân vật Hồ Nguyệt Cô, Nhà hát đã có vở “Tiết Giao trả ngọc” của tác giả Văn Trọng Hùng. Có thể nói, sự ra đời sắp đến của “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc” là dấu nối, ráp hai vở tuồng đơn lẻ này thành một bộ tuồng hoàn chỉnh. Cảm nhận chủ quan tôi cho rằng, đây sẽ là bộ tuồng được đông đảo nhân dân ở mọi tầng lớp yêu thích khi đi biểu diễn phục vụ hay có doanh thu”.
NSƯT Hoàng Ngọc Đình
Bên cạnh câu chuyện tình yêu, tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” còn chứa đựng những giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc, có tính hiện đại vượt thời gian. Tự con người ở mỗi thời đại đều có thể tìm thấy trong sự nhẹ dạ, cả tin của Nguyệt Cô một bài học cảnh tỉnh: hãy tỉnh táo trước mọi dục vọng, hào nhoáng, giả tạo và giữ gìn “ngọc Người”, bởi con người mất đi chất ngọc quý giá này là mất tất cả.
1.
Được đánh giá là một kiệt tác trong kho tàng sân khấu dân tộc song “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” cũng là một vở tuồng rất khó dựng. Theo tác giả Đoàn Thanh Tâm (người phụ trách việc sưu tầm, biên soạn lại kịch bản tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” cho NHTĐT), đây là tác phẩm có cốt truyện hay, nhiều kịch tính, hấp dẫn và chứa đựng nội dung tư tưởng lớn, tuy nhiên, khó khăn đầu tiên, cũng là lớn nhất để dựng thành vở là kịch bản mang tính dị bản. “Hiện kịch bản mà Nhà hát đang dùng dựng vở được kế thừa, chắt lọc, biên soạn lại dựa trên 2 nguồn chính: một kịch bản được cho là bản gốc của cụ Nguyễn Diêu do nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sưu tầm và một vài kịch bản khác lưu truyền trong dân gian. Kịch bản nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sưu tầm lời văn được trau chuốt rất hay song cũng khá nhiều từ Hán Việt, có thể sẽ gây khó hiểu cho người xem; kịch bản từ dân gian thì cốt truyện, diễn biến đơn giản, các nhân vật phụ không xuất hiện, pha tuồng cương nhiều, chưa được chăm chút về mặt văn học… Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của chúng tôi là khắc phục, làm hài hòa những điểm trên, tạo thành một kịch bản riêng đáp ứng dụng ý nghệ thuật trong dựng vở”, tác giả Đoàn Thanh Tâm cho biết.
2.
Đầu tháng 5 vừa qua, NHTĐT bắt đầu dựng vở tuồng “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc”. Theo đạo diễn - NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc NHTĐT, quyết định dựng vở tuồng này là chấp nhận bước vào một thử thách không nhỏ trong lao động nghệ thuật. Đồng thời, điều đó cho thấy bản lĩnh làm nghệ thuật của ê-kíp dựng vở và cả tấm lòng trân trọng tài năng, tri ân tiền nhân của nghệ sĩ Nhà hát đối với nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu - thầy của Hậu tổ tuồng Đào Tấn. NSƯT Hoàng Ngọc Đình tâm sự: “Từ nhỏ đến giờ, cả trong mấy chục năm theo nghiệp tuồng, tôi chưa từng xem trọn vẹn vở tuồng này, có chăng chỉ là trích đoạn, thể hiện được một vài lớp tuồng. Có lẽ, kịch bản này là “bài toán khó” đối với nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống trong nước. Là một người làm nghề, tôi mong muốn “giải” được “bài toán” này”.
Mới đây, qua chạy đường dây, vở tuồng “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc” có độ dài 2 tiếng rưỡi, thời lượng biểu diễn này là hơi dài, do vậy, vở diễn đang được rút gọn lại khoảng 20 phút. Được biết, cùng tác giả Nguyễn Diêu, đây là vở thứ 2 mà Nhà hát dựng, sau vở “Ngũ hổ bình Tây”. Về một số thủ pháp dàn dựng trong vở “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc”, theo đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, vở diễn sẽ mang đậm chất của nghệ thuật tuồng truyền thống, đặc biệt trong trình thức biểu diễn. Bên cạnh đó, qua hình tượng nghệ thuật, xử lý các vai, làn điệu, vũ đạo…, vở diễn sẽ có những lớp diễn, miếng diễn cao trào, đầy tính kịch hấp dẫn người xem.
SAO LY