Khói Xuân
Tản văn của PHẠM VĂN HOANH
Tuổi thơ tôi đã đi qua những làn khói xuân ấm áp, vui vẻ bên bếp lửa hồng của cha mẹ. Để có được làn khói ấy, cha mẹ tôi phải oằn lưng cả năm trời. Mà không riêng gì cha mẹ tôi, cha mẹ của các bạn tôi ngày ấy cũng thế. Họ phải bươn chải quanh năm để có miếng cơm manh áo ngon lành cho con cái vào những ngày cuối năm. Có người phải lên nguồn xuống biển, có người phải ra Bắc vào Nam. Nhưng dù có đi đâu thì cứ đến ngày ông Táo sắp về trời họ cũng quay về nhà chuẩn bị đón Tết vui xuân. Khâu đầu tiên là chuẩn bị củi lửa. Bởi lửa trong ba ngày Tết rất quan trọng. Ai giữ lửa được trong ba ngày Tết thì cả năm đó làm ăn phát đạt - theo quan niệm của người xưa.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Tôi nhớ cứ sau ngày đưa ông Táo về trời, cha tôi đem gốc tre khô ra bửa. Để có được đống gốc tre to đùng cha tôi phải khom lưng đánh gốc, đào rễ trong những ngày tháng nắng. Bửa xong cha tôi lựa những miếng nhỏ chất riêng để nấu ăn trong ba ngày Tết, còn những miếng to khó bửa thì dùng vào việc nấu bánh tét. Còn mẹ tôi thì lo dọn gọn vườn tược, giặt giũ chăn mền, rửa chén bát, lo đi chợ mua sắm…
Sáng 30, mẹ tôi trải lá chuối ra nong, rồi cả nhà quây quần ngồi gói bánh tét. Gói xong mẹ bỏ vào cái nồi to bắc lên ba hòn gạch để nấu. Ngày đó chưa có kỹ thuật nấu nên tốn nhiều củi lắm. Không có củi nào nấu bánh tét lợi như củi gốc tre. Gốc tre cháy từ từ nhưng rất nóng. Khói tỏa ra từ gốc tre trắng và thơm. Đun gốc tre khô vào bếp, rồi cha mẹ giao cho chị em tôi canh chừng, khi nước cạn thì đổ thêm nước vào, còn cha mẹ đi làm việc khác để chuẩn bị đón giao thừa. Ngồi canh chừng nồi bánh tét chị em tôi không biết làm gì ngoài việc lùi củ lang ăn. Thấy chị em tôi ăn củ lang lùi mẹ tôi bảo: “Tết rồi ăn nhiều củ lang làm chi cho đầy bụng, để mai ăn cơm trắng cá tươi cho ngon”. Nghe nói chúng tôi lại hỏi mẹ: “Sao không ghế củ ăn cho lợi mà nấu cơm trắng hả mẹ?”. Mẹ tôi mỉm cười: “Đói ngày tết hết ngày mùa mà con…”.
Nghe mẹ nói mà tôi thấy thương cho cha mẹ quá. Phải chi lúc đó tôi trở thành thanh niên để giúp được chút ít gì cho cha mẹ. Lúc này nhìn những làn khói trắng từ bếp nấu bánh tét bay lên, tôi lại nghĩ đến những sợi tóc bạc của cha mẹ. Vì để cho con cái có được miếng cơm manh áo, được học hành mà cha mẹ tôi lại cực khổ như vậy. Cực khổ là vậy nhưng ngày cuối năm cả nhà ai cũng vui vẻ.
Không gì vui bằng những chiều cuối năm nhìn những làn khói trắng ngoằn ngoèo tỏa ra từ mái rạ, tan loãng trong không gian thành những làn sương khói mờ mờ, ảo ảo. Làn sương khói ấy tuy mỏng manh nhưng nó là dấu hiệu của sự no đủ. Chiều cuối năm nhà nào không có khói bếp bay lên là buồn lắm.
Có lần tôi nhìn sang nhà bên không thấy khói ngoằn ngoèo bay lên từ mái rạ tự nhiên tôi thấy lòng mình như bị buồn lây. T ôi hỏi cha: “Sao nhà bà ấy không thấy có khói như nhà mình hả cha?” Cha tôi bảo: “Bà ấy già rồi, con cái đi làm ăn xa, Tết này chắc không về”. Ngừng một lát cha tôi chép miệng nói giọng buồn buồn: “Không biết mấy ảnh làm ăn ra sao mà Tết lại không về với bà cụ? Thật tội nghiệp cho bả!”. Rồi cha tôi thở dài: “Tưởng mình khổ ai dè có người còn khổ hơn mình. Đúng là nhìn lên chả bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”…
Cúng rước ông bà xong cha tôi đem một ít bánh tét, thịt heo và gạo qua biếu bà, để bà có điều kiện đỏ lửa trong ba ngày Tết. Thế là khói bếp nhà bà bắt đầu tỏa ra hòa quyện cùng khói bếp nhà tôi và các nhà lân cận trong những ngày xuân thật vui vẻ, ấm áp. Lúc bấy giờ tôi mới thấy vui thực sự. Tôi mới thấm thía câu nói của một ai đó: “Mình vui, họ vui, mình mới vui”.
Rồi chị em tôi cũng lớn dần theo năm tháng, lớn lên trong những làn khói xuân như thế. Những làn khói xuân đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Để rồi khi xa quê, những làn khói xuân ấy lại kéo tôi về với cố hương. Quê cũ tôi giờ đã đổi thay nhiều, những ngôi nhà vách đất, mái rạ đã được thay bằng những ngôi nhà tường gạch mái ngói đỏ tươi, và những ngôi nhà cao tầng. Cảnh đánh gốc tre, bửa gốc tre của dân làng tôi giờ không còn nữa. Những làn khói xuân ngoằn ngoèo trên những mái rạ giờ cũng chỉ là câu chuyện cổ tích. T ôi thấy vui vì sự thay đổi đó, nhưng lại thoáng chút buồn. Cha mẹ tôi giờ đã già, dáng ông bà lại còng theo năm tháng, tóc ông bà lại nhuộm trắng theo làn khói xuân năm nào.