Lê Trọng Nghĩa - Nhà điêu khắc, thích làm thơ và say viết nhạc
Có 64 tác phẩm chuyên ngành âm nhạc của 64 tác giả trong cả nước dự xét giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021. Kết quả “Mỗi ngày một điều hay” - tập 50 ca khúc thiếu nhi của tác giả Lê Trọng Nghĩa được Ban tổ chức trao giải B (không có giải A).
Tác giả có những chia sẻ thú vị cùng bạn đọc Báo Bình Định về “hồn cốt” tập sách và mối lương duyên với nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình sau khi nhận giải.
“Mỗi ngày một điều hay”
* Cảm xúc của anh khi nhận giải thưởng này, anh chia sẻ với bạn đọc nhé?
- Đây không phải lần đầu tiên tôi đoạt giải, nhưng lần này, tôi cảm thấy giải thưởng mang lại một ý nghĩa rất khác. Tôi rất vui và hạnh phúc khi tình cảm của tôi dành cho thiếu nhi được ghi nhận.
* Tập ca khúc “Mỗi ngày một điều hay” được Hội đồng thẩm định đánh giá có nhiều sáng tạo, nhất là chất hồn nhiên của trẻ thơ trong âm nhạc. Anh có thể giới thiệu đôi điều…
- Năm 2017, con gái tôi vừa tròn 3 tuổi. Lúc này, tôi nảy ý tưởng thực hiện một tập sách như “món quà” tinh thần thể hiện tình yêu thương dành tặng cho con gái… Tôi muốn gửi gắm những lời tự sự, suy nghĩ, sự quan tâm, yêu thương trong bước đường đời gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của con mình đã, đang trải qua, mong muốn con mình lớn lên hát và cảm nhận được tình cảm của bố bằng một kỷ niệm đẹp. Ý tưởng đó tạo động lực để tôi sáng tạo, đến năm 2020 tập sách đã hoàn thành.
Lê Trọng Nghĩa (SN 1970, quê ở TX An Nhơn) hiện là giảng viên mỹ thuật Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Anh từng đoạt giải thưởng cao nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013 và năm 2020; Giải ba (không có giải nhất) của Bộ VH-TT&DL năm 2020. Và nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật Khu vực V (Nam miền Trung - Tây Nguyên), cùng các giải thưởng khác ở lĩnh vực âm nhạc.
Hầu hết, các ca khúc trong tập sách được tôi phổ nhạc từ thơ (hoặc từ ý thơ), từ đồng dao. Đó là thơ của những nhà thơ nổi tiếng hoặc thành công mảng viết về thiếu nhi: Phạm Hổ, Lê Minh Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn, Phong Thu, Nguyễn Bảo, Đào Hữu Thức…; tập trung cho 5 nhóm đề tài chính. Đó là: Các con vật: Bê vàng, Chim hay hót, Gà mái ghẹ, Ếch, Gà con, Mèo lười, Mi-lu nhà bé; là người thân, cô giáo, bạn: Bàn tay cô, Ba và con, Bạn mới, Bé dỗ mẹ, Cô và mẹ…; là quan sát, nhận biết sự vật: Cái bóng, Cái võng, Cầu vồng, Cây dây leo, Hỏi ti vi; là những bài học về thân thể: Bàn tay nhỏ, đôi mắt của em; là sinh hoạt, giáo dục: Em làm thợ xây, Mỗi ngày một điều hay, Nghe đài hát dân ca…
* Ca khúc thiếu nhi có gì khác so với những ca khúc trữ tình anh từng sáng tác?
- Khi viết nhạc tôi hay sáng tác nhạc trữ tình. Như tôi đã chia sẻ, tập sách này tôi thực hiện là dành tặng cho đứa con gái của mình; do đó, để có được 50 ca khúc tôi đã dành khá nhiều thời gian để đầu tư. Thật khó để hoàn thiện những bài hát này nếu không có cảm xúc, sự hóa thân vào đời sống trẻ thơ, đặc biệt là phải cảm được những cung bậc âm thanh, ngộ nghĩnh, hồn nhiên của trẻ. Ca khúc thiếu nhi cần có sự khúc chiết, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ hát…; nó khác rất nhiều so với ca khúc trữ tình người lớn.
* Trong tuyển tập “Mỗi ngày một điều hay”, anh tâm đắc nhất bài hát nào?
- Mỗi bài có nét đáng yêu riêng, nên khó có thể nói là tâm đắc bài nào hơn. Một số bài khác có tiết tấu sinh động: Bé này bé ơi, Cái võng, Em làm thợ xây… Có bài như tự sự giản dị, dịu dàng yêu thương: Yêu mẹ, Gà con, Cô và mẹ… Có bài khoan thai, trang nhã hoặc luyến láy ngọt ngào: Nghe đài hát dân ca, Nhảy vòng, Tuổi ở đâu. Nói thật là tôi tâm đắc cả 50 bài, vì chưng nó là quà cho con gái mà (cười).
Tài năng ở nhiều chuyên ngành
* Công việc giảng viên mỹ thuật tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn với anh cũng khá bận rộn, anh cân bằng việc lên lớp và sáng tạo như thế nào?
- Giảng dạy và sáng tạo nghệ thuật là 2 công việc chính của tôi. Với tư cách thầy giáo tôi luôn ý thức cao trách nhiệm để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên. Sau thời gian chuẩn bị bài giảng, đứng lớp, tôi dành thời gian còn lại cho sáng tạo và suy ngẫm nghệ thuật. Tôi cân nhắc, chọn cho mình khung thời gian phù hợp để thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình, đi kèm với công việc nuôi dạy, giáo dục con và chăm lo gia đình.
* Từ những kết quả trong sáng tạo, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm và yếu tố cần thiết để tạo nên thành công - đặc biệt là với lớp trẻ yêu thích nghệ thuật, trong đó có những sinh viên do chính anh đào tạo?
- Thực chất của việc giảng dạy chính là truyền đam mê, tình yêu nghệ thuật, đi cùng là kiến thức, kỹ năng của thầy dành cho trò. Để đi đến thành công trên con đường nghệ thuật, điều đầu tiên cần có là niềm đam mê, biết yêu cái đẹp, kiên định và cả sự lãng mạn trong suy nghĩ. Khi có niềm đam mê lớn, tình yêu lớn tự khắc sẽ thôi thúc bạn tiến về phía trước, bước qua những trở ngại, khó khăn.
* Từ điêu khắc, hội họa đến sáng tác âm nhạc, lĩnh vực nào anh cũng có những thành công nhất định. Vậy, anh thích sáng tạo lĩnh vực nào nhất?
- So với lĩnh vực sáng tác âm nhạc, hội họa, điêu khắc là chuyên ngành mang lại cho tôi nhiều trăn trở. Đó là nghiệp tôi đã chọn, gắn bó. Nhờ nghề này, tôi có thể xoay xở, lo toan cuộc sống mưu sinh thường nhật trong gia đình. Tuy nhiên, điêu khắc chỉ có thể làm tốt khi còn đủ sức khỏe, vì nghề sáng tạo này khá nặng nhọc cả về thể chất lẫn tư tưởng. Vẽ, sáng tác ca khúc chính là “bệ phóng” giúp tôi cân bằng cảm xúc, suy nghĩ, sức khỏe để sáng tạo thêm nhiều tác phẩm điêu khắc chất lượng khác.
* Thực tiễn cho thấy, mỹ thuật Bình Định mới dừng lại ở tính xây dựng phong trào, mà biểu hiện dễ thấy là các nghệ sĩ chưa bán được nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là tranh. Trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT Bình Định) suy nghĩ của anh về chuyện này như thế nào?
- Khách quan mà nói tính dấn thân của một số nghệ sĩ, bạn trẻ chưa cao, nội lực trong sáng tạo không được duy trì thường xuyên, chính vì thế tác phẩm đẹp có giá trị nghệ thuật cao không nhiều. Ngoài ra cũng nên nhắc tới điều này, các bạn trẻ có năng khiếu mỹ thuật, phần lớn đều chọn lĩnh vực kiến trúc hoặc hướng đến các loại hình mỹ thuật ứng dụng để định hướng tương lai. Sáng tạo tranh tượng triển lãm gần như không thu hút họ. Và một thực tế không mấy vui là nhiều năm qua triển lãm mỹ thuật tại địa phương ít được tổ chức. Đến giờ tỉnh ta vẫn không có một không gian trưng bày nghệ thuật đúng nghĩa.
Thời gian tới, Chi hội sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng quan trọng nhất chính bản thân người nghệ sĩ phải nỗ lực để khẳng định mình.
* Năm 2022, anh có kế hoạch gì trong hoạt động nghệ thuật của mình?
- Tôi đang nỗ lực hoàn thiện tác phẩm điêu khắc Sắp đặt (chất liệu gỗ + sắt) để kịp tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn tỉnh nhân Đại hội đại biểu Hội VHNT Bình Định nhiệm kỳ 2022 - 2027, dự kiến tổ chức vào tháng 5.2022. Ngoài ra tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nhiều tác phẩm điêu khắc khác nữa. Tôi cũng sẽ duy trì cảm xúc vẽ tranh, viết nhạc khi cần thiết để trải lòng, để khám phá, cân bằng những cảm xúc ngôn ngữ ý tưởng nghệ thuật.
*Xin cảm ơn anh. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, chúc anh nhiều niềm vui và sáng tạo!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)