Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển KT-XH
Tháng 7.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng mô hình thành phố thông minh, đưa AI trở thành ngành công nghiệp quan trọng và chủ lực của tỉnh, đưa Bình Định trở thành một trong những trung tâm AI của cả nước. Đến nay, AI được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Ðịnh (IOC), cơ quan quản lý có thể quan sát, nắm bắt được cách người dân sử dụng dịch vụ và tương tác với chính quyền. Đó là nhờ AI giúp phân tích chính xác và cung cấp thông tin tin cậy từ hạ tầng dịch vụ đô thị cho đến các dịch vụ kết nối đến người dân. Cũng từ IOC, công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực giao thông mang lại nhiều hiệu quả. Hiện, IOC đã thực hiện được các chức năng: giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm.
Robot có ứng dụng AI dùng sản xuất nước ngọt đóng chai tại Công ty TNHH Tingco Bình Định. Ảnh: HỒNG HÀ
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Trên lĩnh vực TT&TT, AI đã được ứng dụng để xây dựng văn phòng điện tử; triển khai IOC; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT-Viễn thông. Hiện, UBND tỉnh đang hợp tác với Công ty CP FPT thực hiện chiến lược chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đẩy mạnh triển khai các dự án về AI tại địa phương. Tỉnh cũng thúc đẩy đề án thành lập Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định nhằm thu hút các DN về CNTT, đặc biệt lĩnh vực AI.
Một trong những ngành ứng dụng AI nhiều nhất là y tế. Nhiều sản phẩm trợ lý chẩn đoán hình ảnh bằng AI đã được các triển khai thử nghiệm dùng cho CT phổi, CT sọ não, CT gan, MRI sọ não, X-quang phổi. Đặc biệt, TTYT TP Quy Nhơn đưa vào sử dụng phần mềm Eyenuk AI phục vụ cho việc sàng lọc và phân loại bệnh võng mạc đái tháo đường; Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) nghiên cứu ứng dụng AI để dự báo nguy cơ, hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn dự phòng, điều trị bệnh rám má. Việc ứng dụng AI hỗ trợ bác sĩ phát hiện, chẩn đoán bệnh và ra quyết định nhanh, chính xác; đồng thời, chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện.
AI cũng được ứng dụng trong phát triển công nghiệp, thương mại điện tử, sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh áp dụng hiệu quả AI để lai tạo gà giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong lâm nghiệp, AI được sử dụng để theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm các biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Tuy vậy, việc ứng dụng AI trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được phổ biến và vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
Trong định hướng chiến lược AI của tỉnh, AI sẽ được ứng dụng xây dựng hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định trực tuyến; quan trắc môi trường; cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý giao thông thông minh; đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thuộc các chuyên ngành về AI, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu để đáp ứng nhu cầu lao động cho các công ty hoạt động về AI.
HỒNG HÀ