Mức độ
Tạp bút của BẢO HUY
1.
Thuở mới lớn, tôi làm việc cho một xưởng chế biến gỗ với nhiệm vụ áp tải những chuyến xe chở gỗ tròn từ Tây nguyên xuống Quy Nhơn. Trong một chuyến đi như thế, vào một đêm mưa, bọn tôi dừng chân ở một quán lá ven đường, đâu đó giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai.
“Bọn tôi” là gồm tôi và các tài xế, phụ xe của một đoàn xe chở gỗ, cũng trên chục người là dân tứ xứ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, vùng này rất hoang vắng. Đêm mưa, trời lạnh, bỗng dưng thấy ánh đèn dầu le lói bên đường, một bọn tha phương cầu thực tự nhiên thèm cái cảm giác ấm áp, nên rủ nhau vào.
Quán lá đơn sơ nơi heo hút nhưng thật bất ngờ, nữ chủ quán khá xinh. Một bọn phàm phu tục tử ào ào kéo vào, đều chết lặng trước nụ cười dễ thương của cô chủ quán. Rồi kẻ thì lăng xăng gọi rượu, kẻ gọi cà phê...
2.
Tôi vốn dĩ không uống được rượu nên gọi một tách cà phê. Năm đó tôi mới vừa đôi mươi, lại gầy gò thư sinh nên lẫn trong cái nhóm người bụi bặm ấy, không giống là "đồng bọn" một chút nào. Bởi vậy, cô chủ quán mới thấy làm lạ, rồi hỏi chuyện.
Thì ra là đồng hương Nghĩa Bình. Ngày ấy Bình Định và Quảng Ngãi nhập chung làm một tỉnh, gọi là Nghĩa Bình, sau này mới tách ra. Nữ chủ quán cho biết, nàng quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, theo gia đình đi kinh tế mới ở Tây nguyên rồi mở một cái quán nho nhỏ bên đường này để mưu sinh.
Tranh cua họa sĩ ĐỖ DUY TUẤN
Tha hương ngộ cố tri, nên tôi và cô chủ quán vui mừng chuyện trò. Nhóm người kia thì sau vài cốc rượu ấm bụng, liền có ý chọc ghẹo nữ chủ quán xinh xắn.
Quán bên đường, giữa một vùng khá vắng người, nhà này cách nhà kia cũng cả cây số, sau lưng là rừng thâm u, điện đóm lại không có. Đôi khi do hoàn cảnh tác động, con người ta nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Thấy họ có ý cợt nhả, nữ chủ quán nghiêm mặt nói: “Mấy anh thông cảm, em là con gái Mộ Đức đó nghen”.
“Mộ Đức thì sao? Mộ địa bọn ta cũng chả ngán nữa là”, một gã nửa đùa nửa thật nói.
Tôi vội chen vào: “Là cô ấy nói, chuyện gì cũng phải có... mức độ. Mấy anh không nên quá trớn.”
Nghe tôi giải thích dùm, nữ chủ quán quay sang nhìn tôi với ánh mắt cảm kích. Còn nhóm tài xế phụ xe, hốt nhiên nghe đến hai chữ “mức độ”, liền khựng lại, lý trí đã chiến thắng cảm xúc nên họ cười xòa nói dăm ba câu giả lả rồi rủ nhau ra xe tiếp tục về xuôi.
3.
Chuyện chỉ có vậy mà nhớ. Không phải chỉ nhớ mỗi cô chủ quán người Mộ Đức đã bình tĩnh, khéo léo chơi chữ, gieo vào tâm hồn tôi hai chữ “mức độ” hết sức ấn tượng, như một lời cảnh tỉnh, mà tôi còn nhớ luôn cả việc nhóm người kia đã biết dừng đúng lúc. Có lẽ lúc đó, họ đã kịp ngộ về “mức độ” để câu chuyện kết thúc một cách êm đẹp.
Mức độ, hoặc hiểu một cách đơn giản là giới hạn, luôn hiện diện ở tất các các lĩnh vực, nhưng riêng với hành vi của con người, đó chính là một chuẩn đo lường thái độ sống, cách ứng xử của mỗi người. Mức độ thoạt nghe rất trừu tượng nhưng kỳ thực, khi trải nghiệm rồi thì rất cụ thể. Nếu hành xử không chừng mực, không đúng mức độ sẽ dẫn đến vô độ. Đó là một ranh giới hết sức mong manh, thể hiện bản lĩnh, tư cách và cái nền văn hóa, giáo dục của mỗi con người.
4.
Cách đây vài ba năm, tôi có dịp đi ngang qua cái vùng rừng ven đường đầy kỷ niệm của một thời trai trẻ ấy nhưng nhà cửa đã san sát mọc lên, dấu tích quán lá xưa tìm hoài không thấy, lại không đủ thời gian để dừng lại hỏi thăm nên tin tức về người con gái Mộ Đức ngày nào vĩnh viễn là một ẩn số.
Có lẽ mức độ gặp gỡ, quen biết của tôi và nàng cũng chỉ đến thế. Là một thoáng qua thôi.
B.H