Hệ lụy nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ
Có một thời, nuôi tôm trên cát (NTTC) ở 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (Phù Mỹ) được coi là nghề “hoàng kim”, bởi mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Nhưng mấy năm gần đây, môi trường nuôi bị ô nhiễm, vùng quy hoạch sản xuất bị phá vỡ, “thủ phủ” tôm trở nên tiêu điều.
Năm 2002, UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực rộng 200 ha, trải dài trên địa bàn 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng để phát triển NTTC. Theo đó, UBND tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải trong vùng quy hoạch và giao cho UBND huyện Phù Mỹ quản lý, khai thác. Thời gian đầu, vùng quy hoạch nuôi tôm đạt hiệu quả khá cao trong việc giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho dân cư địa phương. Tuy nhiên, chính sách phát triển vùng nuôi tôm theo hướng bền vững chưa được ngành chức năng tính đến; công tác quản lý cũng còn hạn chế nên việc nuôi tôm diễn ra tràn lan, không theo quy hoạch và điều kiện cho phép. Hệ lụy là môi trường nuôi bị ô nhiễm, tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt hoặc chậm phát triển, người nuôi thua lỗ, nợ nần chồng chất.
Ông Nguyễn Văn Tý- một trong những người đi tiên phong trong nghề nuôi tôm ở thôn 8, xã Mỹ Thắng, ngậm ngùi: “Từ 2002-2006, nghề NTTC hưng thịnh, đời sống kinh tế người dân được cải thiện. Thấy vậy, nhiều người đổ xô khai hoang, xây dựng ao nuôi nhưng hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư, tôm giống không đảm bảo nên tôm bị dịch bệnh. Ao nuôi của chúng tôi bị ảnh hưởng, làm đâu thất bại đó nên tôi đã bỏ hẳn nghề”.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - cán bộ khuyến ngư xã Mỹ Thắng- từ khi hệ thống xử lý nước thải bị xuống cấp, các chủ hồ tôm tự do khai thác nguồn nước ngầm và xả nước thải từ hồ tôm ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt phục vụ các hồ NTTC đều được lấy từ các giếng khoan tại chỗ, trong khi trữ lượng nước ngọt tại vùng cát này rất hạn chế. Tại vùng NTTC ở thôn 8 và thôn 9 (xã Mỹ Thắng), chúng tôi nhận thấy, các ao nuôi đều xả nước thải ra những chỗ đất trũng hoặc thải trực tiếp ra biển. Lượng chất thải rắn phát sinh trong các ao nuôi, như thức ăn thừa, phân tôm, tảo, mùn hữu cơ cũng được nhiều chủ nuôi tôm gánh đổ trên các bãi cát gần khu vực nuôi tôm.
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng phòng NN - PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Huyện không chủ trương mở rộng diện tích NTTC mà đang tính tới việc quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng bền vững. Theo đó, trước mắt, cần đánh giá đúng thực trạng NTTC để có hướng xử lý.
Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, cũng cho rằng: Việc khai thác nước ngầm cần được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Kiên quyết xử lý và có thể đình chỉ hoạt động đối với các chủ hồ tôm hoặc cơ sở chưa thực hiện đồng bộ các yêu cầu trên; đặc biệt với các trường hợp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo. Về lâu dài, cần phải đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng nước ngầm ở khu vực ven biển Phù Mỹ; đặc biệt là tại vùng NTTC ở 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An để có đủ căn cứ khoa học, nghiên cứu và lập quy hoạch sử dụng đất cồn cát ven biển ở địa phương này.
Theo kế hoạch, vụ 1 năm 2014, huyện Phù Mỹ sẽ NTTC trên diện tích 71,8 ha (chủ yếu ở xã Mỹ Thắng và Mỹ An). Nhưng đến nay, chỉ đạt 32,5 ha/20 hộ tham gia.
TRỌNG LỢI