Tết bận rộn
29 tháng Chạp năm nay cũng là “30 Tết”, nhiều người vẫn đang kiên nhẫn với công việc, với cuộc mưu sinh. Với họ, Tết sẽ chậm hơn đôi chút so với mọi người.
Đa số khách hàng có tâm lý tân trang, rửa xe thật sạch để đón Tết, đi du xuân, nên ngày cuối cùng của năm là lúc các cửa hàng rửa xe máy chật ních. Trưa 29 Tết, tại tiệm rửa xe của anh Trương Trần Thanh Thảo, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, 6 người liên tục rửa xe máy, xe ô tô, xe tải, trong khi phía ngoài tiệm vẫn có đến chục chiếc xe máy xếp hàng đợi.
Nhanh tay xếp hoa, chèn hoa mới vào xô, luôn miệng trả lời những câu hỏi của khách hàng, chị Nguyễn Thị Yến, tiểu thương ở chợ Diêu Trì cũng đang khẩn trương “đẩy” hàng trong ngày cuối năm. Chị nói: “Mình kiếm tiền chính vào những giáp Tết nên mấy ngày rồi ở ngoài chợ nhiều hơn ở nhà. Nhiều khi, tôi nói vui với mọi người: nhà như nhà trọ, mình đi từ 2 giờ sáng đến tận 9, 10 giờ đêm mới về. Riêng 30 Tết, năm nào cũng về nhà quá giao thừa hết”.
Một tay cầm xấp vé số, một tay xách túi trái cây, cụ Nguyễn Thị Tâm, 76 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tranh thủ mời mọi người mua vé số trong lúc đi bộ về nhà. Hai mươi mấy năm mưu sinh từ công việc bán vé số, cụ kể: 30 Tết hay những ngày mùng đều vẫn tranh thủ đi bán. Cụ vừa đi bán vừa tranh thủ buổi trưa về nhà để sắp mâm cơm cúng ông bà rồi lại tranh thủ đi bán tiếp. “Cái nghề này, hầu như không có nghỉ Tết như mọi người đâu”, cụ Tâm nói.
Ngồi trú mưa, uống ly nước, nghỉ ngơi đôi chút sau khi đã bán hết số bưởi da xanh ruột đỏ chở vào bán tại chợ Diêu Trì (huyện Tuy Phước) ngày 29 Tết, ông Phạm Văn Lai, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn kể: “Hai cha con đi lấy hàng, chở mỗi người một giỏ bưởi 40 - 50kg vào tới chợ Diêu Trì là 7 giờ. Tới tầm trưa, xác định là phải bán nhanh để về nhà nghỉ ngơi, dọn dẹp, đón Tết nên chúng tôi rao giá bán xổ 20.000 đồng/kg. Đến 12 giờ rưỡi là bán hết 2 giỏ bưởi”.
Tại chợ hoa dọc QL 1A đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), chúng tôi gặp anh Tuấn, một người bán hoa đến từ TP Hồ Chí Minh. Có thâm niên 5 năm đi buôn hoa Tết, đây là lần đầu tiên anh bán hoa tại Bình Định. Lấy nguồn hoa cúc từ TP Đà Lạt, anh Tuấn tự tin với các chậu cúc tròn, đều, rộ bông đẹp.
Anh Tuấn giới thiệu hoa cúc Đà Lạt cho khách, mong sớm bán hết hoa để trở về TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.MUỘI
Anh tâm sự: “Thời tiết không ủng hộ lắm khi đến ngày cuối cùng của năm lại đổ mưa, lạnh lẽo. Một số người dân vẫn đội mưa đi chọn hoa. Tôi rất mong mấy chục chậu bông cúc còn lại sẽ được bán hết trong chiều tối nay để tôi nhẹ nhàng lên xe về lại Sài Gòn”.
Cách chỗ anh Tuấn chừng vài lô, anh Hồ Trung, ở phường Bình Định, TX An Nhơn đang cùng với người nhà ăn cơm trong lều dựng tạm. Anh Trung bán hoa mai bonsai. Từ ngày 18 tháng Chạp đến nay, số bán được chỉ hơn chục chậu. Riêng sáng 29 Tết, anh mới bán được một chậu mai.
Anh Hồ Trung và người nhà ăn cơm trưa ngày cuối năm tại khu chợ hoa Diêu Trì. Bên ngoài, trời đang mưa và một lượng lớn mai bonsai vẫn còn chưa bán được. Ảnh: N.MUỘI
Theo anh Trung, năm nay, sức mua hoa mai tại địa phương yếu hơn. Vì dịch Covid-19, e ngại về sức mua giảm mạnh nên người buôn hoa cũng ít vào Bình Định hơn. “Tôi bán mai đã 10 năm nay, chỉ có Tết này mới phải ở lại đến tận ngày cuối cùng của năm chờ khách, vậy mà trời còn mưa rỉ rả. Mọi năm, chậm lắm thì 28 Tết đã dọn về rồi. Với tôi, Tết này là mùa hoa mai buồn”.
N.MUỘI