Bảo Hồ - Người diễn ca tình yêu quê hương
Nghe tôi hỏi về tác phẩm của mình, đặc biệt về hai kỷ lục mà ông nắm giữ, tác giả Bảo Hồ khiêm nhường xua tay: Đó là bởi tôi muốn bày tỏ tình yêu quê hương dân tộc mình đã chất chứa mấy chục năm nay mới có dịp công bố…
Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận nhiều tác phẩm diễn ca nổi tiếng như Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh, TK XVII; Lý Văn Phúc, 1785-1849); Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát, 1827-1875; Phạm Đình Toái, 1813-1903); Hạnh thục ca (Nguyễn Thị Bích, 1830-1909); Việt sử diễn âm (Tôn Thất Hân, 1854-1944 và Hồng Nhung-Hồng Thiết); Đổng Thiên Vương tân truyện và Lê Thái Tổ lịch sử ca Nguyễn Văn Bình, 1883-?); Việt Nam lịch sử diễn ca (Vũ Trung Chính)… Đặc biệt nổi bật về số câu là trường ca lịch sử nửa huyền sử: Hoàn Vương ca tích, với 9.000 câu thơ lục bát, lấy cuộc đời Lê Hoàn làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt để phản ảnh tình hình đất nước ta suốt thế kỷ thứ X. Đây là sản phẩm tâm hồn trí tuệ nhân dân Hà Nam, không rõ đã mấy trăm năm, âm thầm sống trong lòng yêu quý, nâng niu của dân vùng văn hóa Liễu Đôi (hiện chưa được xuất bản).
Nếu chỉ lướt qua sẽ dễ cho rằng việc sáng tác diễn ca là dễ dàng. Nhưng một số nhà thơ - trong đó có không ít người là nhà thơ được công chúng yêu mến, tên tuổi đã được ấn chứng - khẳng định, viết diễn ca có nhiều cái khó riêng.
Tác giả Bảo Hồ (người thứ 2 từ phải qua) và bạn văn.
Trước hết, người viết phải xác định rõ mục đích và xây dựng khung cấu trúc gắn với nội dung tư tưởng, bối cảnh lịch sử, sự kiện và con người cụ thể. Tiếp đó phải vận dụng thể thơ chuyển tải nội dung có tính nghệ thuật, đảm bảo luyến láy, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Nếu sáng tác một bài thơ người sáng tác chỉ thuận theo cảm xúc của mình, nhưng viết diễn ca còn phải bám theo cốt lõi tư tưởng, mục đích.
Bảo Hồ tên thật là Hồ Văn Hùng, sinh năm 1938, hiện cư trú phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Ở tuổi xấp xỉ 80, ông hoàn thành tập Du xuân đất Việt, xác lập kỷ lục Quốc gia năm 2017: Tập thơ song thất lục bát giới thiệu về du lịch Việt Nam có nhiều câu nhất (18.660 câu thơ). Năm 2020, tập Việt Nam lược sử diễn ca của ông xác lập kỷ lục mới: Tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam bằng thể thơ song thất lục bát nhiều câu nhất (21.800 câu thơ).
Nói về Việt Nam lược sử diễn ca của Bảo Hồ, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Viện phó Viện Văn học (một trong bốn người hiệu đính tập sách) ghi nhận: Tác phẩm của cụ Bảo Hồ thể hiện sắc nét tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và quyết tâm cao trong công việc diễn ca. Về cấu trúc cũng như nghệ thuật diễn ca còn nhiều vấn đề cần bàn thêm, song cá nhân tôi đánh giá rất cao tâm huyết, công sức của tác giả - một người cao tuổi. Tác phẩm chắc chắn có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, nâng cao tình yêu lịch sử dân tộc, góp phần phát huy và nối dài danh mục các tác phẩm diễn ca, tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại…
Nhà thơ Lệ Thu, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (một trong bốn người hiệu đính tập sách), trong lời bạt Việt Nam lược sử diễn ca, nhận xét: “Việt Nam lược sử diễn ca của tác giả Bảo Hồ có lẽ đã chạm đến hai khía cạnh đời sống quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm dựng nước. Đó là Lịch sử và Thơ ca!
Xác nhận kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho tác phẩm của Bảo Hồ.
Phải thừa nhận rằng để hoàn thành 2 tập sách - trình bày đầy đủ, hợp lý và toàn diện tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến đương đại, vừa đa diện, vừa mạch lạc, vừa chính xác - tác giả phải có đủ tâm huyết, tài năng và công sức phi thường.
Bảo Hồ khiêm nhường nói - muốn bày tỏ tình yêu quê hương dân tộc mình đã chất chứa mấy chục năm – nhưng có lẽ phải là người vô cùng yêu quý, trân trọng lịch sử nước nhà, đồng thời phải đọc nhiều, uyên thâm nhiều lĩnh vực và phải giỏi quán xuyến mới có thể trình bày một cách khúc chiết những diễn biến lịch sử của từng triều đại, về cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại, danh nhân,… gần như không bỏ sót một sự kiện lớn nào, một nhân vật nổi tiếng nào trong lịch sử nước nhà. Nếu nói đây là một cuốn “từ điển” về lịch sử Việt Nam có lẽ cũng không ngoa!...
Tác phẩm của Bảo Hồ
Trong mùa giãn cách xã hội vừa qua, tôi đã đọc - hết - chậm - rãi - trọn - vẹn 21.800 câu song thất lục bát Việt Nam lược sử diễn ca của Bảo Hồ, và đủ sức khẳng định rằng đây là một tác phẩm độc đáo, có giá trị bổ ích. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi các thế hệ trẻ không biết nhiều về lịch sử nước nhà, lại còn do nhiều nguyên nhân dẫn đến chán học sử… thì đây là một tài liệu tốt, dễ nhớ dễ thuộc, hy vọng có thể “lấp” được phần nào cho khoảng trống ấy, thực hiện ước mong “dân ta phải biết sử ta!”
* Tập thơ Du xuân đất Việt, Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2015, kích thước: 16x24cm với 950 trang, bao gồm 18.660 câu thơ, là một công trình mà ông dày công hoàn thiện sau những chuyến đi dọc chiều dài đất nước. Cả một không gian văn hóa, lịch sử với những địa danh, danh nhân... nổi tiếng của cả 63 tỉnh/thành phố Việt Nam đã được tái hiện trong tập thơ này. Tại kỳ Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 33 do Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6.5.2017, tác phẩm Du xuân đất Việt của ông đã xác lập Kỷ lục Việt Nam: Tập thơ Song thất Lục bát giới thiệu về du lịch Việt Nam có nhiều câu nhất.
* Tập thơ Việt Nam lược sử diễn ca, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019, kích thước: 16x24cm với 1.135 trang, bao gồm 21.800 câu thơ, tác giả đã viết lịch sử Việt Nam qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Trên chặng đường đó, dân tộc ta đã làm nên những mốc son chói lọi, những thắng lợi vẻ vang, những bước ngoặt lịch sử vĩ đại, làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Khác biệt với dòng thi ca nghệ thuật, không giống với nhiều tác phẩm diễn ca trước đây, công trình sáng tạo, diễn dịch lịch sử Việt Nam lược sử diễn ca của tác giả Bảo Hồ có dung lượng lớn thơ song thất lục bát. Ngày 20.12.2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới của tác giả Bảo Hồ (vượt qua kỷ lục cũ do chính ông xác lập năm 2017): Tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam bằng thể thơ song thất lục bát nhiều câu nhất.
NGUYỄN THANH QUANG