Lễ ăn cốm lúa mới của người Bana
Theo tập tục truyền thống, lễ ăn cốm lúa mới của người Bana bắt đầu từ tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch của năm mới. Bà con cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng. Khi nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc bắt đầu cuộc vui rộn ràng. Người Bana ở các làng trong trang phục truyền thống không phân biệt già trẻ, lớn bé, ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành trong ngày xuân.
Mọi người dân trong làng quây quần bên nhau trong ngày lễ ăn cốm lúa mới. Ảnh: Đ.K
Nhà nghiên cứu Yang Danh cho biết: “Trong văn hóa của người Bana Bình Định, lễ ăn cơm mới hoặc ăn cốm lúa mới (Xa mok) được tổ chức sau mùa gặt hái. Lễ ăn cốm lúa mới của người Bana là nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà; đánh giá lại kết quả một năm lao động; dịp để mọi người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, sung túc hơn. Đây còn được gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hoá cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, đồng thời cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời.
Những hạt lúa rẫy được lựa chọn để rang thành cốm để làm lễ vật cúng các vị thần trong lễ ăn cốm lúa mới. Ảnh: Đ.K
Hiện nay, cuộc sống của người Bana đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây đến lễ ăn cốm lúa mới, bà con thường tổ chức từng nhà, cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng suốt 2 ngày 2 đêm, thì nay ở nhiều làng việc tổ chức lễ ăn cốm lúa mới thường diễn ra trong ngày, ở cùng một địa điểm để cả làng chung vui. Lễ ăn cốm lúa mới dù tổ chức ở quy mô lớn hay nhỏ, nhưng cốm để dâng lên cúng giàn phải là những hạt lúa mới lấy về từ nương rẫy và được bà con chọn riêng từ trước. Lễ cúng gồm mâm cốm mới, rượu cần, gà và ngọn đèn sáp ong. Sau các nghi thức khấn vái của già làng, đến nghi thức ăn cốm mới. Hạt cốm đầu tiên được đặt trên đầu của già làng hoặc chủ gia đình với ý nghĩa tôn kính thần chúa đã cho con người có cái ăn, cái mặc. Sau đó, cốm được chia cho những người tham dự. Nghi thức cuối cùng là tung cốm với ý nghĩa cầu mong mọi người, mọi nhà được sung túc, no ấm, hạnh phúc.
Gà là một trong những lễ vật để cúng trong lễ ăn cốm lúa mới của người Bana. Ảnh: Đ.K
Em Đinh Thị Thiên, ở làng O5, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: Lễ ăn cốm lúa mới được tổ chức mỗi năm một lần, nên đây là dịp không chỉ người lớn tuổi, mà các bạn trẻ cũng cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và háo hức chờ đợi. Đây là phong tục truyền thống do ông cha xưa để lại, nên lớp trẻ chúng em sẽ cố gắng giữ gìn, phát huy.
Các cô gái Bana thu hoạch lúa trên nương rẫy. Ảnh: H.N.K
Theo ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana, trong đó có lễ ăn cốm lúa mới. Đây là giá trị văn hóa tinh thần rất bổ ích, quý báu của cộng đồng dân tộc. Để tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đó, hằng năm, xã chủ động xây dựng cụ thể kế hoạch bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của cộng đồng Bana; xem đó là thành tố quan trọng góp phần để kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
TRỌNG LỢI