Các nước Baltic chuẩn bị cho nguy cơ nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu nên các nước phương Tây lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và NATO về vấn đề Ukraine.
Các công ty năng lượng và chính phủ các nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) đang hợp tác để chuẩn bị cho khả năng cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine và lo ngại về nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Đó là thông tin được lãnh đạo các nước Baltic cung cấp tại hội nghị diễn ra ngày hôm qua (4.2) ở thủ đô Riga (Latvia).
Ảnh minh họa: Reuters
Thủ tướng Litva - Ingrida Simonyte cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về căng thẳng địa chính trị tại khu vực và nhất trí rằng điều đặc biệt quan trọng là không chấp nhận việc Nga thăm dò một số khu vực lợi ích hoặc vẽ lại cơ sở hạ tầng an ninh. Yêu cầu bác bỏ chính sách mở cửa của NATO là không thể chấp nhận được vì nó vi phạm quyền của các quốc gia trong việc thiết lập các chính sách an ninh và đối ngoại của mình một cách độc lập. Việc Nga triển khai quân đội tại Belarus cho cái gọi là cuộc tập trận là mối quan ngại lớn của chúng tôi, chúng tôi phải sẵn sàng phản ứng ở cấp Liên minh châu Âu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Krisjanis Karins tuyên bố nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn, các quốc gia vùng Baltic sẽ dựa vào cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Litva và kho chứa khí đốt của Latvia.
Khu vực Baltic có đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga và nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ một trạm ở Litva. Đường ống dẫn khí đốt giữa Litva và Ba Lan sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2022, giúp khu vực này tiếp cận các đường ống dẫn khí đốt lục địa và nhiều nguồn năng lượng hơn.
Giới chức Mỹ được cho là đang nỗ lực trên khắp thế giới để tìm các nguồn khí đốt thay thế nếu xung đột do vấn đề Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp đường ống cho châu Âu./.
(Theo Trần Nga/VOV1/biên dịch theo: Reuters)