Đặc sản Hoài Ân đi xa
Trước nhiều khó khăn, trở ngại từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xứ trung du Hoài Ân vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này.
Tiêu thụ mạnh trong dịp Tết
Năm 2021, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, giá cả một số mặt hàng nông nghiệp thấp đã ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan liên quan, việc tiêu thụ hàng hóa và các loại nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hoài Ân được đảm bảo.
Đóng gói sản phẩm heo sữa cấp đông tại HTX Chăn nuôi và dịch vụ Trần Lê. Ảnh: M.L
Theo số liệu tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, trong năm 2021, toàn huyện đã xuất được hơn 300 con trâu, bò, 290.000 con heo các loại; heo thịt giết mổ tiêu thụ tại huyện hơn 7.600 con. Cùng với đó là tiêu thụ hơn 1.700 tấn bưởi, 245 tấn bơ, 225 tấn cam, 175 tấn mít, 18.084 tấn dừa.
Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, một số mặt hàng nông sản, nhất là các loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được tiêu thụ rất mạnh. Bình quân mỗi ngày toàn huyện xuất khoảng 1.700 con heo các loại; từ 15 - 20 con trâu, bò; 7.000 con gia cầm (gà, vịt); 2.000 tấn bún gạo khô; hơn 10 tấn trái cây như bưởi da xanh, dừa xiêm… đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bún khô là sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: M.L
“Việc thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho người dân, các thương lái trao đổi buôn bán hàng hóa, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ mạnh các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực của huyện”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Võ Duy Tín cho hay.
Cùng với sự “lên đời” của sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đời sống người nông dân Hoài Ân từng bước được nâng cao. Lão nông Võ Đông Sơ (khu phố Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ) có thu nhập 100 triệu đồng/năm từ 50 gốc bưởi. “Lớn tuổi rồi, sức khỏe không được tốt, suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn trong vườn bưởi thôi. 3 đứa con tôi học đại học cũng nhờ vườn bưởi này”, ông Sơ vui vẻ nói.
Liên kết để phát triển
Để vượt qua những khó khăn trong năm qua, Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân đã kịp thời tham mưu UBND huyện xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm số lượng nông sản của người dân đến kỳ thu hoạch, làm việc với các thương lái để xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là các hộ nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, kịp thời tiêu thụ sản phẩm heo thịt và một số nông sản khác, không xảy ra hiện tượng ùn ứ, tồn đọng sản phẩm gây thiệt hại cho nông dân.
Bưởi da xanh là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hoài Ân được thị trường ưa chuộng. Ảnh: M.L
Ngoài ra, Phòng NN&PTNT còn chủ động làm việc với các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX thành lập mới trong năm 2020 để tổ chức liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tiêu biểu, HTXNN Thanh niên Hoài Ân từ tháng 7 đến tháng 9.2021 đã tổ chức liên kết, tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm, cam sành, quýt đường cho các hộ dân trên địa bàn với sản lượng khoảng 30 tấn. Một số HTX nông nghiệp đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ triển khai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống và lúa thương phẩm cho người dân.
Thành lập từ tháng 9.2020, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Trần Lê (trụ sở tại thị trấn Tăng Bạt Hổ) có 15 xã viên, chuyên về sản phẩm heo sạch Hoài Ân, thị trường tiêu thụ trên khắp cả nước, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chủ nhiệm HTX Trần Thị Thắm cho hay: “Mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 30 - 50 heo sữa 3 - 7 kg cấp đông. Lượng sản phẩm tiêu thụ Tết này không bằng năm ngoái, nhưng chúng tôi luôn cam kết thu mua hết heo sữa của các hộ tham gia chuỗi liên kết”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, trong thời gian đến, UBND huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm chủ lực, nhất là bưởi da xanh, thịt heo…, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
MAI LÂM