Nâng niu hai chữ “đoàn viên”
Đại dịch Covid-19 đã đem đến một năm nhiều khó khăn với tất cả mọi người. Tết giữa đại dịch Covid-19, mỗi người lại càng khao khát đoàn viên, sum họp bên gia đình.
Trống vắng
Trong một sự kiện diễn ra cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi có dịp gặp gỡ vài gia đình có người thân mất do dịch Covid-19. Điểm chung của họ là nét buồn ẩn giấu trong đáy mắt. Nơi đó, nước mắt cứ chực chờ trào lên khi có người hỏi thăm hoặc vô tình nhắc về những mất mát.
Đêm 28 Tết, một gia đình tranh thủ đón chuyến tàu muộn tại ga Diêu Trì để về quê ăn Tết. Ảnh: N.MUỘI
Bà Lê Thùy Trang (60 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) rơm rớm nước mắt khi tôi nhắc đến người chồng đã mất vì dịch Covid-19. Hơn nửa tháng trước, gia đình của bà vẫn tròn vẹn. Vậy mà, ông mãi không trở về, để Tết này bà một mình.
“Vợ chồng cô chỉ có một đứa con trai. Con trai đã lập gia đình và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Tết này, vì nhiều lý do, vợ chồng con không về quê được. Tết là mùa đoàn viên nhưng gia đình cô năm nay lại hết sức lạnh lẽo, trống trải”, bà Trang trải lòng.
Cùng với cả nước, Bình Định đã có hơn 160 gia đình mất người thân do đại dịch Covid-19. Tết này, những giọt nước mắt một lần nữa rơi xuống bởi nỗi đau mất người thân lại nhói lên khi nhìn nhà nhà đang quây quần, sum họp. Có lẽ, những ai từng trải qua chia ly thì mới thấu hiểu nỗi mất mát lớn thế nào.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) vừa mất mẹ do dịch Covid-19 hơn 3 tuần trước, bộc bạch: “Tết sẽ không đủ đầy nếu vắng mẹ, vắng cha, vắng cả ông bà. Vậy mà Tết này, nhà tôi không còn mẹ, các cháu không còn bà. Cứ nhắc đến điều đó, lòng tôi lại nghẹn ngào”.
Thêm yêu thương, gắn bó
Đại dịch Covid-19 trùm nỗi buồn đau lên những gia đình có người thân qua đời, nhưng cũng soi rọi giá trị của gia đình trong nhiều người. Chị Hoàng Mộc Lan (32 tuổi, người Bình Định đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) bồi hồi: “2021 là năm mà tôi trải nghiệm những lần đầu tiên không mong đợi và chưa từng có thể tưởng tượng. Đến đầu năm 2022, tôi mất bà do dịch Covid-19, chỉ sau vài giờ bà được đặt nội khí quản. Nỗi mất mát này tiếp tục nhắc nhở tôi sự quý giá của tình thân, nhắc tôi trân quý từng ngày được sống, được yêu thương”.
Phút tiễn nhau bịn rịn của bà và cháu trước giờ tàu chạy vào sáng mùng 6 Tết Nhâm Dần. Ảnh: N.MUỘI
Trong dòng chảy tất bật, rộn rã, nhiều cảm xúc của Tết, nhiều người dành thời gian để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, nâng niu từng niềm hạnh phúc giản dị vô ngần mà thường ngày không nhận ra hoặc ít nhận thấy - niềm hạnh phúc còn có nhau trong đời. Sau những tháng ngày phong tỏa, giãn cách, cách ly khó khăn trong dịch bệnh, chứng kiến sự mong manh của an toàn, của sự sống, mỗi người lại càng tha thiết hơn với sự gắn kết của gia đình, càng muốn gần hơn với những người mình yêu thương.
Bị mắc kẹt tại TP Đà Nẵng do dịch bệnh, chẳng thể trở về thăm gia đình trong năm, Tết này, vợ chồng anh Nguyễn Văn An (30 tuổi, quê ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) đưa con nhỏ về đón Tết với ông bà từ 27 tháng Chạp. Anh cho biết: “Các năm trước, phải đến mùng 5 Tết, vợ chồng tôi mới về được đến nhà nội vì cả hai đều làm việc trong lĩnh vực du lịch nên phải đảm bảo nhiệm vụ phục vụ du khách rồi mới sắp xếp lịch để về nhà. Riêng năm nay, đại dịch làm mọi thứ đình trệ nhưng bù lại, tôi được ăn Tết trọn vẹn với ba mẹ, được đón giao thừa, được cúng rước ông bà, được đi thăm mộ, lên chùa vào mùng 1 Tết, đi mừng tuổi ông bà, thăm họ hàng… Con trai nhỏ 3 tuổi cũng có nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ với ông bà”.
Thuê hẳn một chiếc xe 7 chỗ và tài xế để đưa cả nhà gồm 6 người về quê (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) đón Tết, vợ chồng anh Trần Tuấn Bảo (45 tuổi, sinh sống ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) bảo: “Rất nhiều người chọn về nhà, về quê đoàn viên thay vì xả hơi bằng những chuyến du lịch, dịch chuyển để khám phá những điều mới lạ. Vợ tôi bảo “phải về thôi, về sớm”, bởi sợ lắm, sợ ba mẹ không còn nhiều thời gian để đợi mình, dù năm rồi, may mắn thay giữa đại dịch lan tràn, cả đại gia đình của tôi vẫn bình an. Tết là dịp quý giá để sum họp. Mình sắp xếp được là phải về bởi nhiều người đã không còn cha mẹ, người thân để về, để ôm nhau, nói với nhau những lời chúc tốt đẹp”.
Sau khoảnh khắc đoàn viên, hành trình tiếp theo của nhiều người sẽ đầy ắp sức mạnh của tình thương, tình thân, hy vọng một năm mới bình an.
Trong ảnh: Những gia đình nhỏ rời quê hương, quay trở lại nơi sinh sống và làm việc trong sáng mùng 6 Tết. Ảnh: N.MUỘI
Tết này sẽ là một cái Tết đặc biệt với rất nhiều người. Trong tiếng cười, giọt nước mắt, giữa bánh mứt và hoa, bên dưới lớp khẩu trang, trong gió xuân mát lành, tiếng “gia đình”, chữ “đoàn viên” sẽ được nhắc đi nhắc lại.
Xin gửi lời chúc cho tất cả mọi người đều có những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp quý giá trong mái nhà ấm êm để hành trình tiếp theo lại đầy ắp ấm áp, tình thương, hy vọng!
NGUYỄN MUỘI