Vào mùa ruốc biển
Từ đầu tháng 11 âm lịch năm 2021 đến nay, nhiều ngư dân trong tỉnh ra khơi khai thác ruốc. Mùa ruốc hằng năm đem lại thu nhập đáng kể cho ngư dân. Các món ăn được chế biến từ ruốc đang được du khách ưa chuộng và là nỗi nhớ với nhiều người quê biển xa nhà.
1. Vào mỗi mùa ruốc, 30 chủ thuyền khai thác ruốc của xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) họp lại, thống nhất chia nhau ra làm 4 tổ, mỗi tổ 6 - 7 thuyền, luân phiên khai thác từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Đến cuối ngày, tổ chia đều nhau số ruốc thu được.
6 giờ sáng ngày 6.2, tổ khai thác ruốc thứ nhất của xã lên đường ra Trũng Đựng - khu vực mà theo nhiều ngư dân cao niên của xã là nơi con ruốc tập trung về nhiều nhất. Trời khá âm u và có gió, nhưng tổ vẫn nổ máy ghe chạy ra Trũng Đựng và đúng như dự đoán, vẫn có nhiều ruốc mang vào bờ vào cuối ngày trong niềm hân hoan của nhiều thành viên.
Tổ khai thác ruốc biển ở Nhơn Lý kéo ruốc lên thuyền. Ảnh: KIM HÙNG
Chuyện trò về nghề khai thác ruốc biển, nhiều ngư dân cho biết, có hai thời điểm khai thác - từ 6 giờ đến 18 giờ (gọi là đi ruốc ngày) và 18 giờ đến 6 giờ hôm sau (đi ruốc đêm). Nếu như đi ruốc đêm chỉ cần chong đèn lên, con ruốc thấy ánh sáng sẽ tập trung lại thì khi đi ruốc ngày, ngư dân phải biết cách nhìn ruốc trong dòng nước biển dập dềnh sóng. Vào mùa, ngoài giới chuyên làm ruốc, số ngư dân làm nghề giã cào cũng tranh thủ cào ruốc.
So với nhiều vùng biển khác, con ruốc của vùng biển Bình Định nhờ sống ở đáy biển có nhiều cát mà luôn sạch sẽ và thơm, ngon. Đi dọc nhiều vùng biển, rất dễ tìm thấy những gia đình làm nghề khai thác ruốc biển theo kiểu cha truyền con nối khá giả. Bởi vì, dù không phải là một trong những nghề khai thác thủy sản chủ lực của tỉnh nhưng nghề khai thác ruốc luôn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho không ít ngư dân, đặc biệt vào đầu mỗi năm mới.
2. Một chiếc ghe đi khai thác ruốc thường có 6 - 10 người, sau khi phát hiện có nhiều ruốc tụ lại thì mọi người tiến hành bủa lưới, mỗi người một tay kéo lưới, thu hẹp ruốc dần về phần đụt lưới rồi chia nhau vớt ruốc lên thuyền và chạy ghe vào bờ. Đi lưới ngày, nếu vào kịp trưa, còn nắng giòn thì phơi khô để con ruốc ngọt đậm đà, còn đi lưới đêm thì ruốc thường dùng để làm mắm. Các bến cá tầm sáng sớm hay vừa tắt nắng vào mùa ruốc luôn nhộn nhịp, đông vui với từng tốp người nhà, thương lái chờ đón từng thuyền chở ruốc đầy khoang cập bến. Về những vùng quê biển, nhìn đâu cũng thấy vỉ phơi ruốc, trong nhà ngoài ngõ được tận dụng để sàn, sảy, giã ruốc.
Có thâm niên 30 năm đi khai thác ruốc theo kiểu cha truyền con nối, anh Tạ Hưng (SN 1980, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) tự hào cho biết đây là một nghề truyền thống lâu đời của xã. “Theo hiểu biết của tôi thì nhiều nơi khác cũng có nghề này nhưng không phải nơi nào cũng đầu tư bài bản về mọi khâu - từ khai thác đến sơ chế rồi thu mua, chế biến thành nhiều loại sản phẩm, rồi xây dựng thương hiệu, tiêu thụ khắp nơi như Nhơn Lý”, anh Hưng bảo vậy.
Mùi ruốc thơm thoang thoảng quyện trong làn gió xuân có thể dễ dàng bắt gặp ở những miền biển mùa này. Hũ mắm ruốc thơm lừng, đậm vị nơi đầu lưỡi. Những món ăn như ruốc trộn xà lách, dưa leo, ruốc kho, ruốc rang giòn… thơm, ngon, giòn, ngọt đọng mãi, giữ mãi nỗi nhớ trong lòng người dân biển xa nhà và nhiều du khách lỡ yêu vị biển…
NGỌC TÚ