Danh xưng tỉnh Bình Định qua Mộc bản triều Nguyễn
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tỉnh Bình Định luôn có một vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Có một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tên gọi tỉnh Bình Định xuất hiện từ năm nào và quá trình hình thành, phát triển tỉnh Bình Định diễn ra thế nào?
Ngược dòng thời gian, qua khối Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP Đà Lạt ta sẽ hiểu hơn về điều này.
Năm Nhâm Thìn (1832), xuất hiện danh xưng “tỉnh Bình Định”
Bình Định vốn là vùng đất có lịch sử lâu đời và đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 2 đã có ghi về vùng đất Bình Định từ thời Hùng Vương dựng nước.
Sau nhiều thay đổi, đặt tên, chia tách đến năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long lên ngôi, lúc này vùng đất Bình Định cũng được gọi là dinh Bình Định. Đến năm Bính Dần (1806), dinh Bình Định được đổi thành trấn Bình Định. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16 ghi rõ về việc này như sau: “Gia Long năm mới lên ngôi gọi là doanh Bình Định có 1 phủ 3 huyện, là phủ Quy Nhơn lĩnh 3 huyện Phù Ly, Tuy Viễn, Bồng Sơn. Năm thứ 5 (1806), đổi doanh làm trấn”.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16 ghi về tên gọi và địa giới hành chính của Bình Định dưới triều vua Gia Long. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đến đời vua Minh Mạng vào năm Tân Mão (1831), vua cho đổi phủ Quy Nhơn làm phủ Hoài Nhơn. Một năm sau (tức năm Nhâm Thìn (1832), để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, vua cho thực hiện một cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn là cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Cuộc cải cách này được chia thành hai đợt. Đợt đầu tiên được thực hiện vào năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng cho chia các trấn từ Quảng Trị trở ra Bắc thành 18 tỉnh. Đợt 2 thực hiện năm (1832), vua cho chia các trấn, doanh còn lại từ Quảng Nam trở vào Nam, trong đó có tỉnh Bình Định.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 85, mặt khắc 12 cũng khắc ghi sự kiện này như sau: “Chia đặt các tỉnh hạt… Tỉnh Bình Định: thống trị 2 phủ, An Nhân, Hoài Nhân và 5 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc, Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn. Huyện Tuy Viễn được chia ra làm 2 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc đặt riêng làm phủ An Nhân; huyện Phù Ly chia làm 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Ba huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn, thuộc phủ Hoài Nhân”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 85, mặt khắc 12 ghi về việc vua Minh Mạng cho đặt tên tỉnh Bình Định vào năm Nhâm Thìn (1832). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Như vậy, theo Mộc bản triều Nguyễn thì vào năm Nhâm Thìn (1832), là thời gian xuất hiện danh xưng “tỉnh Bình Định”. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của Bình Định trong suốt thời gian qua.
Tên gọi Bình Định đã ổn định suốt 190 năm
Dưới thời vua Minh Mạng trị vì, vua rất quan tâm đến vùng đất Bình Định, đặc biệt là vấn đề ruộng đất. Có lần, Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Tổng đốc Bình - Phú là Vũ Xuân Cẩn vào chầu. Vua lại hỏi đến việc trước đây xin chia ruộng. Cẩn thưa: “tỉnh Bình Định đất rất màu mỡ, không kém các tỉnh ở Nam Kỳ, lại có đê bối giữ nước, có thể không bị nạn hạn hán, nông dân 1 năm 2 vụ gặt rất được lời...”. Vua đã rất vui mừng, hài lòng.
Dưới thời vua Thiệu Trị, Bình Định được xem là một tỉnh lớn. Về đơn vị hành chính của tỉnh hầu như vẫn giữ nguyên so với đời vua Minh Mạng. Đến mùa hạ, tháng 5, năm Tân Sửu (1841), khi quan tỉnh Bình Định tâu vua: “Địa thế trong hạt tỉnh ấy xa rộng, dân cư lẻ tẻ. Xin tùy theo những nơi nào gần liền với nhau, đặt thêm tên tổng (như huyện Tuy Viễn có 2 tổng, thì chia làm 4 tổng, huyện Phù Mỹ có 3 tổng thì chia làm 4 tổng, huyện Bồng Sơn có 4 tổng thì chia làm 5 tổng); chọn trong tổng, thôn nào đinh điền nhiều hơn, cho đứng đầu một tổng. Mỗi tổng đặt chức cai tổng, ngoại ủy và phó tổng mỗi chức 1 người”. Vua đã chuẩn cho.
Dưới triều vua Tự Đức, vào năm Quý Sửu (1853), vua cho hợp tỉnh Phú Yên vào tỉnh Bình Định, đặt đạo Phú Yên, tất cả các giấy tờsổ sách đều nêu lên đầu tên tỉnh Bình Định. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 9, mặt khắc 24 có ghi việc này rằng: “Đổi lại 3 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh làm đạo, bấy giờ, đình thần bàn, phần nhiều nói: 3 tỉnh đều là tỉnh nhỏ, việc ít, nên đổi làm đạo, để rút bớt quan lại... Đạo Quảng Trị để chữ Thừa Thiên phủ lên đầu; đạo Phú Yên để chữ Bình Định tỉnh lên đầu”.
Dưới triều vua Thành Thái, vào tháng 6, năm Bính Ngọ (1906), do địa thế huyện Tuy Phước rộng lớn, đinh điền nhiều nên vua đã cho nâng huyện Tuy Phước làm phủ. 1 năm sau, tức năm Đinh Mùi (1907), vua chuẩn cho thôn Định Bình, phủ Hoài Nhơn chia làm hai thôn là Định Bình và Định Trị. Đến triều vua Duy Tân, vào năm Canh Tuất (1910), vua chuẩn cho thôn Hội Phát, huyện Hoài Ân chia làm 3 thôn (Hội Phát, Hội An, Hội Văn). Đến Giáp Dần năm 1914, quan tỉnh Bình Định xin lập riêng 9 sách Man (sách Trại Giữa, sách Đinh Mỡ, sách Đinh Ô, sách Đinh Thỏ, sách Trại Gạo, sách Giang Phá, sách Ỷ Toái, sách Đinh Phan, sách Đinh Quý) cho như lời xin.
Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, nhưng kể từ năm Nhâm Thìn (1832) đến nay, tên gọi “tỉnh Bình Định” chính thức xuất hiện và được sử dụng ổn định trong suốt 190 năm qua.
CAO THỊ THƠM QUANG