Đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật
Người khuyết tật nói chung, hội viên phụ nữ khuyết tật nói riêng luôn được các cấp Hội LHPN đặc biệt quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ để vượt qua rào cản, tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tại thôn Liêm Định (xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), chị Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi) vẫn miệt mài hằng ngày bên những mẻ bánh ít nóng hổi, thơm phức. Nếu không chú ý kỹ, ít ai nhận ra người phụ nữ với đôi tay thoăn thoắt, khéo léo ấy lại không may có đôi chân không được lành lặn như bao người. Thế nhưng, với nỗ lực không ngừng cùng sự động viên, khích lệ tinh thần của tổ chức hội LHPN, qua từng năm, quy mô xưởng bánh của chị ngày càng phát triển. Đến nay, xưởng chị có 7 lao động, thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/ người/tháng.
Chị Tuyết chia sẻ: “Ban đầu, khách hàng chủ yếu là người dân trong thôn ủng hộ. Sau đó, Hội LHPN xã tạo điều kiện cho tôi tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm nên thu nhập của tôi ngày một được cải thiện. Sự tự ti cũng vơi bớt”.
Hội LHPN phường Trần Quang Diệu thăm, tặng quà cho hội viên có con là người khuyết tật. Ảnh: DƯƠNG LINH
Không riêng chị Tuyết mà nhiều hoàn cảnh tương tự cũng nhận được sự quan tâm của Hội LHPN xã Nhơn Phong, thông qua nguồn quỹ riêng do chính các hội viên cùng đóng góp. Bằng cách làm này, các trường hợp đau ốm hay có mong muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng đều được Hội tập trung hỗ trợ. Nhờ đó, chị em khuyết tật ngày một cởi mở, sống tích cực, lạc quan hơn.
Tương tự, Hội LHPN xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) cũng chú trọng quan tâm hội viên là người khuyết tật, thường xuyên nắm bắt tình hình tại cơ sở để kịp thời hỗ trợ thông qua các hoạt động như tặng quà, trao nhu yếu phẩm. Ngoài ra, Hội còn động viên các chi hội tích cực quan tâm đến đời sống hằng ngày của đối tượng trên, chủ động khuyến khích chị em khuyết tật tham gia vào các cuộc gặp mặt để cùng chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng.
Song song với các hoạt động trên, tại một số địa phương, tổ chức Hội LHPN còn động viên chị em khuyết tật phát triển kinh tế bằng cách tham gia vào các mô hình phù hợp với thể trạng bản thân, phổ biến nhất là đan nhựa giả mây, làm chổi... Chị Nguyễn Thị Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), cho biết: “Nghề đan nhựa giả mây được nhiều chị em khuyết tật trên địa bàn lựa chọn bởi dễ học, dễ làm. Do đó, bên cạnh khuyến khích chị em theo nghề, Hội LHPN xã còn sẵn sàng tạo điều kiện, hướng dẫn để chị em mạnh dạn vay vốn, tạo tiền đề cho quá trình phát triển lâu dài”.
Không chỉ dành sự quan tâm cho hội viên khuyết tật, với các chị em có con bị khiếm khuyết, Hội LHPN các cấp cũng nỗ lực chia sẻ phần nào khó khăn. Thường xuyên ghé thăm các trường hợp gia đình hội viên khó khăn, có con là người khuyết tật, Hội LHPN phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) như người mẹ thứ 2 của các em. Chị Nguyễn Thị Sao (ở khu phố 4, phường Trần Quang Diệu) có 2 người con, con trai đầu 26 tuổi khuyết tật trí tuệ bẩm sinh và con gái mới 13 tuổi nhưng bị tật ở mắt, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Thu nhập kiếm được từ công việc lao động phổ thông không đủ chi tiêu.
“Thời điểm dịch Covid-19 là lúc gia đình gặp nhiều khó khăn nhất. Không việc làm, không thu nhập, cũng không còn nguồn tiết kiệm nào để xoay xở. Khi đó, chị em trong hội phụ nữ phường đã ghé thăm và tặng nhu yếu phẩm để mẹ con tôi sống qua ngày”, chị Sao tâm sự.
DƯƠNG LINH