Giúp học sinh học đi đôi với hành
Trăn trở với việc học sinh học “chay” ở bài học môn Vật lí lớp 10, hai giáo viên dạy môn Vật lí ở Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn là Hà Minh Trọng và Nguyễn Trần Cương đã thiết kế và chế tạo bộ thí nghiệm rơi - ném ngang để bồi dưỡng năng lực thực nghiệm cho học sinh.
Bộ thí nghiệm được chế tạo chỉ với chi phí 400 nghìn đồng/bộ, rẻ hơn rất nhiều sản phẩm cùng loại sử dụng tại các trường phổ thông (khoảng 3 triệu đồng/bộ). Hơn thế, bộ thí nghiệm có cấu tạo đơn giản, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng dễ dàng.
Từ những trăn trở
Thực tế giảng dạy nội dung bài học “ném ngang” và “sự rơi tự do” thuộc chương trình Vật lí lớp 10 nhưng không sử dụng thí nghiệm khiến học sinh rất dễ mắc phải sai lầm về kiến thức. Để khắc phục điều đó, việc dạy học bài học liên quan kiến thức rơi - ném ngang cần có thí nghiệm, tức là cần thiết chế tạo bộ thí nghiệm rơi và ném ngang kết hợp với hình thức dạy học tích cực.
Thầy Hà Minh Trọng hướng dẫn học sinh trong tiết học Vật lí với bộ thí nghiệm rơi - ném ngang.
Theo thầy giáo Hà Minh Trọng, trường có bộ thí nghiệm khảo sát sự rơi tự do, nhưng lại nhiều hạn chế, trong khi bộ thí nghiệm khảo sát ném ngang thì chưa có; học sinh cảm thấy các công thức khá mông lung, khó hiểu, kiến thức mang tính áp đặt. Nếu truyền thụ kiến thức chỉ sử dụng bộ thí nghiệm rơi tự do đã có của trường thì chỉ thuyết phục được học sinh sự rơi tự do là chuyển động thẳng nhanh dần đều, không kiểm chứng rơi tự do có phương thẳng đứng...
Thầy Nguyễn Trần Cương phân tích, với bộ thí nghiệm rơi - ném ngang được chế tạo, về kỹ thuật, điểm nổi bật nhất là kiểm chứng hình chiếu của vật ném ngang lên phương thẳng đứng là chuyển động rơi tự do, tức là tạo được vật rơi tự do và vật ném ngang ở cùng độ cao vào cùng thời điểm thì sau đó chúng sẽ tiếp tục cùng độ cao ở các thời điểm sau đó (sách giáo khoa chỉ có mô hình khá trừu tượng và chưa có thí nghiệm trong thực tế). Bộ thí nghiệm còn kiểm chứng ném ngang có quỹ đạo là nhánh parabol theo hai phương án khác nhau: Vật ném ngang và nước phun ngang với tốc độ không đổi (được tạo ra bởi bình chảy dừng, hiện tại chưa có thí nghiệm này trong thực tế)…
Giúp học sinh khắc sâu kiến thức
Quan trọng hơn, trong giảng dạy, sử dụng bộ thí nghiệm mới này tạo điều kiện cho học sinh hoạt động nhiều hơn và khắc sâu kiến thức hơn, bởi có thể kiểm chứng được nhiều nội dung kiến thức hơn bộ thí nghiệm rơi tự do đã có. Thông qua kết quả phân tích trong tiết dạy thử nghiệm (lớp thực nghiệm 10 Anh và lớp đối chứng 10 Hóa) đã khẳng định sử dụng bộ thí nghiệm mới được chế tạo trong dạy học chủ đề “Rơi tự do - ném ngang” theo phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề khắc phục những sai lầm ban đầu và góp phần phát triển năng lực thực nghiệm cho học sinh.
“Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phương pháp giảng dạy kết hợp đồ dùng dạy học do các thầy giáo thiết kế và chế tạo giúp học sinh dễ hiểu, nhớ lâu, chất lượng bộ môn hằng năm cao”.
Thầy Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
“Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thiết kế bài thực hành có sử dụng bộ thí nghiệm chế tạo trong bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia, bước đầu giúp học sinh xử lý các bài tập cơ bản về thí nghiệm và thành thạo sử dụng các dụng cụ đo. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2020 - 2021, đội tuyển của tỉnh có 1 học sinh đạt giải nhì, và 3 học sinh đạt giải ba ở môn Vật lí”, thầy Trọng chia sẻ.
Em Đinh Võ Huy Hoàng (lớp 10 Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), cho hay: Giờ học môn Vật lí với bộ thí nghiệm rơi - ném ngang được các thầy giáo chế tạo rất sinh động, giúp học sinh dễ hiểu, nhớ lâu hơn là học lý thuyết suông.
Bộ thí nghiệm rơi - ném ngang để bồi dưỡng năng lực thực nghiệm cho học sinh do hai thầy giáo chế tạo đã được Sở GD&ĐT công nhận có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh từ năm học 2020 - 2021; đồng thời, đạt giải ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ XII (năm 2020 - 2021) do tỉnh tổ chức.
MAI HOÀNG