Đảm bảo một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý
(BĐ) - Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có giải pháp thiết thực, hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là những nhiệm vụ mang tính đổi mới, sáng tạo đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 27.12.2021 về thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đó là yêu cầu quan trọng do Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 11.12.2021 của HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, phản ánh thông tin đến cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tỉnh để xem xét, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của DN, tổ chức, người dân thì đề xuất giao cho cấp đó thực hiện theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả công tác rà soát, đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là tập trung đề xuất thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu quản lý hoặc thông qua việc đề xuất đổi mới phương thức phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo hướng tăng cường tính chủ động phục vụ DN, tổ chức, người dân mà không phải chờ “xin - cho” hoặc “đề nghị - giải quyết”.
MAI LÂM