Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh quá tải, áp lực với học sinh khi học trực tiếp
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục tổ chức dạy học nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, tránh gây quá tải đối với học sinh.
Học sinh Hà Nội đi học trực tiếp trở lại sau thời gian dài tạm dừng đến trường vì dịch bệnh. (Ảnh: Nguyễn Nam/Vietnam+)
Bộ GD&ĐT vừa có công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Công điện nêu rõ: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ GD&ĐT đã ban hành các công văn hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và hướng dẫn thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT tham mưu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, nhà trường cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp.
Với học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường. Nhà trường tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Các trường tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của bộ phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch hoàn thành năm học 2021-2022 trước ngày 30.6; đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30.6 vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022.
Các trường triển khai những nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn; không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Các trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT báo cáo về bộ tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương, những khó khăn vướng mắc, những việc bất thường phát sinh để kịp thời tháo gỡ, xử lý trong quá trình triển khai thực hiện trước 17 giờ thứ Sáu hàng tuần.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)