Cố tình "găm" xăng dầu chờ tăng giá có thể bị phạt tới 9 tỷ đồng, phạt tù tới 15 năm
Những ngày qua tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động một phần do không đủ nguồn cung, nhân lực phục vụ song cũng có nơi có dấu hiệu “găm hàng” chờ tăng giá. Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định?
Được biết, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Cùng với đó, phải tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đồng thời giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.
Về chế tài xử lý đối với những cây xăng cố tình “găm hàng” chờ tăng giá hòng trục lợi, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích… mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, Điều 30 Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực xăng dầu, nêu rõ, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền;
Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội Đầu cơ theo Điều 196 BLHS 2015 sửa đổi.
Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 30-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
“Thời gian qua, tình trạng các cây xăng “găm hàng” chờ tăng giá nhằm trục lợi diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự ổn định của thị trường xăng dầu trong nước, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi vi phạm” - Luật sư Hồng Vân đề xuất.
Theo An ninh Thủ đô