Xe khách biến thành... xe tải: Nhiều nỗi bất an
Ở tuyến xe khách nội tỉnh, hầu hết các chuyến xe khách đều bị biến thành... xe tải khi phải oằn mình chở đầy hàng hóa, chủ xe nhiều khi nhồi nhét lấn cả hành khách. Tình trạng này khiến nguy cơ mất an toàn giao thông tăng cao.
Xe khách oằn mình chở hàng
Tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, mỗi ngày có khoảng 60 xe xuất bến đi các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão, Hoài Ân; nhiều nhất là các xe đi huyện Hoài Nhơn với 40 chuyến, tiếp đến là xe đi Phù Mỹ có 11 chuyến. Xe nào cũng có đủ các loại hàng hóa gửi kèm, to nhỏ lớn bé đủ cả, không thiếu thức gì. Thậm chí có cả những gói hàng nặng đến cả tạ; không thiếu những lô hàng hải sản ướp đá… ri rỉ nước tanh tưởi. Nhưng kiểu gì thì kiểu,cuối cùng thì xe cũng lăn bánh xuất bến như thường.
Sáng 30.5, trong vai hành khách, tôi lên chuyến xe BKS 77B - 0462 (loại xe 16 chỗ ngồi), lộ trình Quy Nhơn - Tam Quan (Hoài Nhơn). Chỉ đếm sơ tôi đã thấy trên xe có 24 khách. Đã vậy, nhà xe còn cho chất đủ các loại hàng hóa. Hàng được xếp chặt sau đuôi xe, dưới gầm ghế, chỗ để chân, dọc lối đi thậm chí còn chất cả trên nóc xe. Chưa hết, nhà xe còn nhận và trả hàng hóa dọc đường suốt hành trình chở khách. Chị Nguyễn Thị Hằng, một người thường đi tuyến Quy Nhơn - Hoài Nhơn, lắc đầu: “Xe đã chật như nêm mà họ (tài xế, phụ xe - PV) còn nhét các thùng mực, bao tải nông sản lên xe; chất đến mức phụ xe không xoay trở được. Nhiều khi thấy xe nghiêng khi xuống dốc hoặc qua cua gấp, người ngồi trên xe ai cũng khiếp vía!”.
Qua tìm hiểu, hầu hết lái xe khách đều thừa nhận, khi xe có nhiều hàng nặng trong xe sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn, buộc lái xe phải tập trung hơn, nhất là trong điều kiện đường gập ghềnh, trơn trượt, nhiều đoạn quanh co. Nhưng để có thêm doanh thu, ai cũng tranh thủ nhét thêm, xe nào cũng thế cả, tài nào cũng thế cả.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quả, Chánh thanh tra Sở GT-VT, thừa nhận: Khi hàng hóa xếp không cân đối và quá tải trọng cho phép, khả năng xử lý trên đường của lái xe sẽ gặp khó khăn hơn. Khi muốn dừng được phương tiện, lái xe phải có quãng đường và thời gian nhấn phanh dài hơn. Mặt khác, khi hàng hóa chất đầy dưới chỗ để chân, hoặc dọc lối đi trong xe ảnh hưởng rất lớn về an toàn cho hành khách nếu không may xe gặp sự cố, tai nạn, cháy xe… Nói tóm lại là những chiếc xe chở khách và hàng hóa như thế không đảm bảo các điều kiện an toàn để lưu thông.
Lỗ hổng quản lý?
Dù thừa nhận có hiện tượng mất an toàn trên, nhưng ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Bình Định lại cho rằng, việc xe khách nội tỉnh chở hàng hóa là điều không tránh khỏi. Ông Nhân lý giải: Việc giao thương hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh chưa đồng đều; do vậy, mỗi hành khách khi đi hoặc về đều mang theo một lượng hành lý nhất định mà các lái xe khó lòng từ chối chở. Hơn nữa, việc chở thêm hàng hóa trong xe sẽ giúp chủ xe có thêm nguồn thu (?)
“Công ty luôn tuyên truyền, nhắc nhở các lái xe không được chở hàng hóa cồng kềnh; sắp tới, nếu nhà xe nào cố tình vi phạm, Ban quản lý bến xe và lực lượng thanh tra sẽ cương quyết không cho xuất bến”
Ông Nguyễn Minh Diệu, Trưởng ban Điều hành Công ty cổ phần Bến xe Bình Định
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng xe khách biến thành xe tải do còn thiếu quy định về tải trọng hàng hóa đối với xe khách. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ đề cập đến số người chở trong xe. Liên quan vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Vận tải Bộ GT - VT, trả lời báo giới: Đến nay, vẫn chưa có quy định về hành lý khách được mang theo là bao nhiêu, được chở tối đa bao nhiêu hàng hóa. Vì thế, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định về tiêu chuẩn chở hàng hóa của xe khách để nâng cao an toàn kỹ thuật cho phương tiện trên hành trình.
“Để siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vấn nạn ô tô khách chở quá số người quy định hoặc chở hàng hóa cồng kềnh, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng CSGT ở các huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng liên ngành tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các chủ xe khách chở hàng hóa nhồi nhét, vi phạm Luật Giao thông đường bộ”. Thiếu tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an tỉnh) cho biết.
TRỌNG LỢI