Xuân về đất võ Tây Sơn
Tết Nguyên đán là dịp mọi người nô nức du xuân về với đất võ Tây Sơn. Đặc biệt, Bảo tàng Quang Trung là nơi thu hút đông khách đến tham quan, bày tỏ niềm kính ngưỡng lên Tây Sơn Tam kiệt cùng các văn thần, võ tướng triều Tây Sơn, như tìm về cội nguồn, tự hào với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.
Du khách tham quan Đài Kính Thiên. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Thật ra, từ khoảng tháng 11 âm lịch năm 2021, Bảo tàng Quang Trung cùng các di tích trực thuộc Bảo tàng Quang Trung quản lý, như Đài Kính Thiên, Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang), Đền thờ thân phụ thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt tại di tích Gò Lăng (xã Bình Thành), Đền thờ Bùi Thị Xuân (xã Tây Xuân), Lăng Mai Xuân Thưởng (xã Bình Tường) đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan; càng gần Tết lượng người đến tham quan càng nhiều thêm.
Đặc biệt, từ khi công trình Đền thờ Tây Sơn tam kiệt thuộc dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung với các hạng mục xây dựng, nâng cấp ba gian nhà tiền tế, nhà tiền bái, nhà thượng điện hoàn thành, từ trước Tết, rất nhiều người đã về đây tham quan.
Chị Nguyễn Thị Phong, người dân ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, tới ngày kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là gia đình tôi lại đến Bảo tàng Quang Trung để dâng hương Tây Sơn Tam kiệt, các văn thần, võ tướng triều Tây Sơn để cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc. Đây cũng là nơi chúng tôi vui xuân sum vầy. Là người dân ở đất Vua, tôi thật sự tự hào về quê hương mình”.
Nhiều người dân đi xa luôn muốn tìm về Bảo tàng Quang Trung mỗi dịp Tết để tỏ lòng tri ân tiền nhân. Chị Lâm Thị Dung, quê gốc thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Tết năm ngoái tôi không về, năm nay về thì thấy Bảo tàng Quang Trung rất khác, khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt rất khang trang, ba gian nhà thờ, gian nào cũng rất đẹp. Mình là con của đất Tây Sơn nên rất tự hào, về đây luôn thấy yên bình, ấm áp”.
Bảo tàng Quang Trung thu hút đông người đến tham quan. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Từ trong sâu thẳm của người dân Tây Sơn - Bình Định nói riêng và người Việt Nam nói chung, những vị anh hùng triều đại Tây Sơn viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc luôn là niềm tự hào thiêng liêng.
Cụ Võ Văn Thái (80 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), tâm tình: “Đối với tôi, 27 năm rồi, năm nào tôi cũng về Bảo tàng Quang Trung trong dịp Tết để viếng vua Quang Trung thể hiện lòng tự hào của mình. Chưa bao giờ tôi ngừng tự hào về những người anh hùng của quê hương mình, cũng như nhắc nhở con cháu hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc”.
Cùng gia đình tham quan Bảo tàng Quang Trung chiều mùng 4 tết Nhâm Dần vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh, quê gốc ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Vợ chồng tôi có một cháu bé, dù sinh ra, lớn lên, học tập tại TP Hồ Chí Minh nhưng cháu rất thích và tự hào về vua Quang Trung nên năm nào tôi cũng dẫn cháu về quê ngoại, đi Bảo tàng Quang Trung, tham gia lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa để cháu tìm hiểu về lịch sử của dân tộc. Năm nay khuôn viên Bảo tàng, khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được làm lại đẹp hơn. Tôi rất tự hào vì mình là người đất võ”.
Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, từ ngày 1 - 5.2 (tức mùng 1 - 5 Tết) có hơn 23.500 lượt du khách về tham quan Bảo tàng Quang Trung và các điểm di tích do đơn vị quản lý. Tuy lượng khách so với dịp Tết năm ngoái có giảm hơn 4.000 - 5.000 lượt, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong bình thường mới gắn với thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thông lệ tại Bảo tàng Quang Trung, đặc biệt kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là mùng 4 - 5 Tết không bán vé; năm nay không tổ chức phần hội, chỉ có phần lễ vào chiều mùng 4 Tết nhưng Bảo tàng cũng tạo điều kiện cho người dân đến thăm viếng, tham quan.
NGỌC NHUẬN