Như ong dâng mật, như tằm nhả tơ…
Ngày 23.5, chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội. Trong số 19 cá nhân được tôn vinh tại chương trình này có một đại biểu đến từ Bình Định đó là cô giáo Võ Thị Hạnh. 20 năm gắn bó với công việc của một giáo viên dạy Văn ở Trường THCS Ân Thạnh (Hoài Ân), cô Hạnh đã tìm thấy niềm vui và lẽ sống của mình.
Duyên nghiệp với Văn
Năm 1994, chị tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn). Nhiều trường cấp 3 ngỏ ý, nhưng chị lại quyết định nộp hồ sơ về Trường THCS Ân Thạnh, bởi trong chị có một tình cảm thiêng liêng đặc biệt với mái trường này. Chị nhớ lại: “Thời tôi còn học cấp 2, nhiều thầy cô ở Quy Nhơn ra Trường THCS Ân Thạnh dạy học. Thủa ấy, tình cảm thầy trò đơn sơ, mộc mạc lắm. Hết buổi học, trò ra vườn ngắt ngọn lang, lên núi hái lá giang để thầy cô cải thiện. Thầy trò cùng cuốc đất trồng rau, làm chuồng nuôi gà, bán đi để làm quỹ lớp”.
Bóng câu qua cửa sổ. Mới đó mà đã 20 năm đằng đẵng chị gắn chặt với nghiệp Văn, không chỉ dạy mà còn viết văn. Chị bảo, mình có “duyên nợ” với văn chương, nhờ văn chương mà chị có một đời sống tâm hồn phong phú, dù vật chất còn nghèo nhưng luôn cảm thấy mình hạnh phúc, luôn muốn sống thiết tha và hết mình với công việc, với cuộc đời. Và, chị muốn truyền tình yêu và niềm đam mê văn chương đến với học trò để tri ân cuộc đời và tạo hóa đã cho mình được sống có ý nghĩa.
Những niềm vui nho nhỏ
Chị bảo, đời cầm phấn của chị vui nhiều hơn buồn. Một buổi chiều cuối tuần, bất ngờ có một học sinh đến thăm chị. Đó là học sinh cũ mà chị dạy bồi dưỡng năm lớp 9, em tên Trần Văn Hoài, là học sinh nam duy nhất trong 7 thành viên của đội tuyển học sinh giỏi Văn. Năm ấy (chị chẳng nhớ nổi là năm nào), chị đưa đoàn học sinh giỏi của huyện vào Quy Nhơn thi. Mới 2 giờ sáng, Hoài đến gõ cửa, nhờ cô giáo mua giùm dây nịt. Thành phố đang say sưa trong giấc ngủ, ai bán giờ này mà mua. Thấy Hoài lo lắng, cô giáo đành lấy dây nịt của mình đưa cho em dùng tạm. Hoài vô tư hỏi: “Cô đưa cho em thì lấy gì để nịt đồ?”. Chị bảo: “Ngày mai coi thi cô mặc áo dài”. Thế là cậu bé vô tư dùng dây nịt của cô giáo đến trường thi.
“Cái cơ bản không phải là nơi ta sinh ra mà là cách chúng ta sống trong cuộc đời. Khi chúng ta sống nhiệt thành, hết mình với công việc, tất ta sẽ tìm thấy niềm vui”
Cô giáo VÕ THỊ HẠNH
Năm ấy, Hoài đạt giải Khuyến khích. Lần gặp lại sau hơn ba năm, Hoài chào tạm biệt cô và cho biết năm lớp 12 vừa rồi em đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn Văn và được tuyển thẳng vào Trường ĐH An ninh. Hoài bảo, em đạp xe tìm nhà cô hơn cả tiếng đồng hồ. Em nhắc lại chuyện dùng dây nịt của cô năm đi thi học sinh giỏi lớp 9. Chuyện về đề thi học sinh giỏi quốc gia vừa rồi yêu cầu viết về vấn đề “từ bóng tối vươn ra ánh sáng” trong sáng tác của Nam Cao, khiến em nhớ lại bài giảng năm lớp 9 của cô về cái buổi sáng Chí Phèo tỉnh lại sau cơn say triền miên, những âm thanh Chí nghe được, những ước ao bình thường, giản đơn… Chị thật sự thấy vui vì có những khoảnh khắc nhỏ trong tiết dạy của mình lại khắc ghi dấu ấn trong tâm hồn học sinh, những việc làm nhỏ của mình khiến các em nhớ mãi.
Và, niềm vui của chị cứ thế chất đầy theo năm tháng.
Có lẽ, chẳng có gì buồn hơn với người giáo viên khi chứng kiến sự thờ ơ của học trò qua từng tiết học. Tôi vẫn rất trân quý những thầy cô luôn làm hết mình để học trò say mê, hứng thú mỗi khi giờ học bắt đầu. Theo thầy Nguyễn Quang Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Thạnh, một trong những đóng góp quan trọng của cô Võ Thị Hạnh là làm cho học sinh yêu thích Văn, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu văn chương.
Với học trò không thích Văn, để các em chịu học Văn và yêu Văn, chị áp dụng nhiều “chiêu”. Trong những giờ học, chị hay kể những câu chuyện hấp dẫn, nhưng đến hồi gay cấn thì cắt, tiếp tục bài học và hẹn hôm sau kể tiếp nếu các em chăm chỉ học. Hoặc, chị thường kể chuyện về những học sinh trước của chị đã thành công nhờ học giỏi Văn. Như tấm gương của Nguyễn Kim Anh, nhà nghèo vượt khó, đam mê văn chương đã đạt giải Ba quốc gia, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, sau đó được sang Nga du học.
“Cũng có lúc tôi lấy những tác phẩm của mình đã được đăng báo để thuyết phục các em rằng: nếu các em yêu thích Văn và cố gắng học, có thể các em cũng viết được tác phẩm đăng báo và sẽ có nhuận bút. Nghe nhuận bút là chúng thích lắm!”, chị hóm hỉnh.
Như ong, như tằm…
Tôi vẫn đồ rằng, với nghiệp giáo, quan trọng nhất là “giữ lửa” qua năm tháng. Không ít “kỹ sư tâm hồn” lại thấy buồn tẻ, mỏi mòn khi ngày này qua ngày nọ đối mặt với trang giáo án và bảng đen. Tôi thắc mắc, đâu là bí quyết để chị duy trì nhiệt huyết với nghề? Chị khẳng định, đó là sự cần mẫn, chăm chỉ, sống nhiệt thành và hết mình với công việc, luôn tận dụng mọi cơ hội để làm việc, không bao giờ tự thỏa mãn với chính mình.
Người ta thường nói, phía sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Ở trường hợp cô giáo Võ Thị Hạnh, có lẽ phải nói ngược lại. Chồng chị - anh Nguyễn Đăng Lễ - thật sự là chỗ dựa vững chắc để chị yên tâm công tác. Là kế toán của Trường THCS Ân Thạnh, chỉ làm việc trong giờ hành chính, nên anh có thời gian chăm chút cho 2 đứa con, mỗi khi chị tất bật với chuyện trường việc lớp. Chàng lớp trưởng năm nào vẫn kề vai sát cánh bên cô lớp phó học tập; vẫn tươi cười những khi “máu nghệ sĩ” nổi lên, bà xã lại bắt xe xuống thành phố vui vầy cùng bạn bè văn nghệ… “Hồi xưa, tui cũng viết văn làm thơ đấy chứ. Nhưng từ ngày lập gia đình, thấy tài năng chẳng ăn thua với vợ nên gác bút luôn”, anh hài hước chia sẻ.
Về sự chăm chỉ, cần mẫn của cô Võ Thị Hạnh, có lẽ không ai rành rẽ như người học trò, cũng là người đồng nghiệp - cô Trần Thị Thúy, giáo viên Văn của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước, hai cô trò là hàng xóm ở thôn Hội Yên, xã Ân Thạnh. Cô thấy trò “chớm” khiếu văn chương, nên bắt đầu uốn nắn. Thời gian Thúy học lớp bồi dưỡng Văn của huyện, chị Hạnh có chồng, chuyển về ở An Thường, gần trường hơn. Thế là, những ngày cuối tuần học bồi dưỡng, trưa nào cô cũng đưa trò về nhà, lo chén cơm, giấc ngủ như người chị cả lo cho đứa em gái nhỏ. Lớp 8, Thúy đạt giải Khuyến khích Văn cấp huyện; lên lớp 12 đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh.
“Những khi buồn bã, bế tắc nhất, tôi cứ tìm đến nhà cô. Cứ kể, kể, và kể hết cho cô nghe. Rồi, khi dắt chiếc xe đạp bước qua cổng nhà cô, tôi thấy mọi thứ phiền muộn như tan biến. Gần gũi cô như người trong nhà, nên tôi biết cô luôn hết mình cho từng trang giáo án, luôn tỉ mẩn với từng số liệu trong báo cáo sáng kiến kinh nghiệm. Cảm phục tinh thần hăng say với công việc của cô, nhưng chẳng thể nào bắt chước được dù chỉ một phần nhỏ”, chị Thúy thật thà chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mất khi chị mới 1 tuổi, tuổi thơ cơ cực, sớm tự lập nên chị luôn luôn quý trọng mọi cơ hội trong cuộc sống để không ngừng cố gắng vươn lên. Nhờ cố gắng lao động nghiêm túc, bền bỉ, sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy học mang lại hiệu quả thiết thực, chị đã nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, 2 lần liên tiếp được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, 2 lần được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” giai đoạn từ năm học 2007-2008 đến năm học 2012-2013.
Là một giáo viên bình thường ở một ngôi trường cũng rất đỗi bình thường, nhưng 5 năm liên tiếp (từ năm học 2008-2009 đến năm học 2012-2013), chị đều có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh. Đây là lý do chính để chị được Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đề cử vào danh sách đại biểu được tôn vinh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 11. Để rồi, chị trở thành đại biểu duy nhất đại diện cho ngành Giáo dục cả nước, là 1 trong 3 lao động bình thường được vinh danh.
Con tằm chăm chỉ sẽ nhả được những sợi tơ óng ánh. Con ong chăm chỉ sẽ dâng được hương mật ngọt ngào. Người giáo viên chăm chỉ, sáng tạo và có trách nhiệm sẽ làm vẻ vang sự nghiệp trồng người. Đó chính là những lời gan ruột được chị đúc kết khi trở về với bảng đen và phấn trắng, sau những vinh quang mà chị xứng đáng được nhận.
NGUYỄN VĂN TRANG