Người hết lòng với văn hóa truyền thống
Đó là nghệ nhân Mang Văn Năng, người Chăm Hroi, ở khu phố Đăk Đưm (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh). Ông được mọi người yêu thương, quý trọng không chỉ vì những hiểu biết sâu rộng về văn hóa Chăm Hroi mà còn vì lòng nhiệt huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Năng (bên trái) thay mặt CLB Cồng chiêng huyện Vân Canh nhận quà của lãnh đạo huyện tặng. Ảnh: HẠNH PHÚC
Nghệ nhân Mang Văn Năng chia sẻ: “Tôi mê nhạc cụ dân tộc, mê văn hóa truyền thống, ca hát. Tôi muốn truyền lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để lớp trẻ tiếp thu và phát triển nó ngày càng tốt hơn; nếu không sẽ dần dần bị mai một”.
Ông Năng là người đa tài, đàn hay, hát giỏi; am hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm Hroi và rất tâm huyết với việc lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Do đó, ông luôn được cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh mời biểu diễn và luyện tập cho các diễn viên trẻ tham gia các lễ hội văn hóa nghệ thuật do huyện, tỉnh tổ chức.
Ông đã cùng những cán bộ văn hóa huyện nghiên cứu, phục dựng nhiều lễ hội văn hóa dân gian của dân tộc Chăm Hroi, được giới chuyên môn đánh giá cao như: Lễ cưới truyền thống, cúng cầu mùa, cúng sức khỏe, cúng cầu mưa...
Trong khi truyền dạy cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Mang Văn Năng luôn nhắc nhở họ phải cân bằng giữa việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa tiến bộ, hiện đại.
Chị La Thị Huyền Giang, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh, người đã có nhiều năm cộng tác với nghệ nhân Năng, chia sẻ: “Chính nghệ nhân Năng là người đã truyền lửa nhiệt huyết để tôi và các anh chị diễn viên noi theo, tiếp bước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Chăm Hroi”.
Mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa… làm cho thế hệ trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình; giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm Hroi đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Phải làm sao để bảo tồn những nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Chăm Hroi là điều mà nghệ nhân Năng luôn trăn trở. Ông rất vui vì CLB Cồng chiêng huyện Vân Canh vừa được thành lập, là nơi sinh hoạt, bảo tồn, giao lưu văn hóa truyền thống trong các dịp lễ, hội...
Nghệ nhân Năng được những người đồng bào nơi đây ví như một cây đại thụ, luôn hết lòng, hết sức giáo dục, truyền dạy con em trong cộng đồng hiểu biết thêm về giá trị văn hóa của dân tộc mình; để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thêm tự hào mà giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống ấy.
HẠNH PHÚC