Thủ phủ mai vàng và mùa hoa thắng lớn
Kết thúc vụ mai xuân 2022, doanh thu từ tiền bán hoa của nông dân An Nhơn đạt kỷ lục hơn 150 tỷ đồng. Không ai nghĩ sau một năm đầy lo âu và sau những ngày đầu tháng Chạp lặng ngắt như tờ… làng hoa lại “lội ngược dòng” ngoạn mục như thế.
Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn vui vẻ chia sẻ, việc lập đỉnh doanh số trong bối cảnh ấy khiến cả làng mai đến giờ vẫn còn râm ran như…Tết.
TX An Nhơn có khoảng 2.200 hộ trồng mai (riêng xã Nhơn An có 1.500 hộ, Nhơn Phong 450 hộ, còn lại là các xã, phường phụ cận), với khoảng 2 triệu chậu, trong đó bán chạy nhất là loại mai từ 4 - 5 năm tuổi, có giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/chậu. Doanh thu từ tiền bán mai ước tính hơn 150 tỷ đồng (Nhơn An thu 62 tỷ đồng, Nhơn Phong thu 46 tỷ đồng, Nhơn Hạnh 13 tỷ đồng, còn lại là các phường Nhơn Hưng, Bình Định, xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ… thu được 29 tỷ đồng).
Tất bật thay chậu, vào đất trước khi xả cành, tạo dáng, bón phân chăm sóc cây mai. Ảnh: XUÂN THỨC
Theo ông Đinh Thanh Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong và ông Phan Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, từ mùng 10 - 15 tháng Chạp, các làng mai rất vắng khách, ai cũng tưởng mai năm nay sẽ ế nặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng bất ngờ, từ 16 tháng Chạp cho đến 26 tháng Chạp, rất nhiều thương lái chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc đổ về mua mai. Hầu hết các nhà vườn không còn mai để bán. Có thể nói, đây là năm có cái Tết ấm của bà con làm nghề trồng mai cảnh.
Riêng hoa cúc có 180 hộ trồng, chủ yếu khu vực Vĩnh Liêm - Liêm Trực (phường Bình Định) và phường Nhơn Hưng cùng các khu vực lân cận trồng 30.000 chậu cúc pha lê, đại đóa, cúc mâm xôi Nhật, giá bán tăng 10 - 20% so vụ Tết năm 2021, doanh thu trên 11 tỷ đồng. Nhìn chung, bà con trồng hoa TX An Nhơn có một mùa Tết ấm cúng, sung túc. Nhiều hộ thu nhập thấp nhất cũng 200 triệu đồng, cao nhất trên 3 tỷ đồng.
Những ngày Tết qua mau, để mai hồi sức, khỏe mạnh, cho hoa đúng thời điểm Tết năm sau, các nhà vườn trồng mai ở TX An Nhơn lại tỉa cành, tuốt lá hoa, tránh hoa tạo hạt làm mất sức.
Ông Trương Đình Long, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, chia sẻ: Xã có 5 làng nghề trồng mai cảnh với 1.500 hộ trồng 64 ha. Hết Tết, tức trước rằm tháng Giêng, các nhà vườn đã thuê lao động sử dụng phân hữu cơ, thay đất mới cho từng chậu mai. Nông dân Nguyễn Văn Sanh, 60 tuổi, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, có vườn mai kiểng 6.000 m2, với 8.000 chậu mai kiểng từ 1 năm tuổi trở lên, có thâm niên hơn 20 năm trồng mai, bộc bạch: Cứ hết Tết là tui liên tục thuê lao động thời vụ, có khi lên đến 10 - 15 người, vô chậu, sang chậu thay đất, lặt lá mai… trả công 200 nghìn đồng/lao động/ngày; còn khâu tưới, tạo dáng chăm sóc là tui tự làm. Được ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật trồng mai sạch, nên tui chỉ dùng thuốc sinh học để diệt sâu, bảo vệ sức khỏe cho mình và những nhà sống gần vườn mai. Nhờ vậy mà các chậu mai luôn phát triển tốt bảo đảm cho vụ bán mai Tết năm sau.
Thời điểm này, bên cạnh các nhà vườn tất bật với việc chăm cây mai sau Tết, nhiều nhà chơi mai cũng hối hả chở mai về gửi các nhà vườn để thuê chăm sóc. Ông Nguyễn Hữu Tài, tổ trưởng tổ trồng mai cảnh xã Nhơn Phong, chia sẻ: Sau Tết, công việc nhà vườn dày và bận rộn không kém những ngày giáp Tết.
XUÂN THỨC