Hỗ trợ người dân thu dọn đất, đá sau sạt lở núi
Theo phản ánh của người dân tổ 1A và tổ 3, khu phố 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, do các đợt mưa lớn cuối năm 2021 gây sạt lở núi, nhiều đất, đá, cây cối đổ xuống vùi lấp mặt đường, bùn nhão chảy vào nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đi lại... “Do nhiều đất, đá phủ lấp bên ngoài nhà cửa, vườn tược, nên gia đình tôi đành chờ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng giúp đỡ...”, ông Lê Văn Hưng (ở tổ 3, khu phố 1) cho biết.
Theo Chủ tịch UBND phường Đống Đa Phan Tấn Vũ, phường đã cử người đến nắm bắt tình hình, rồi báo cáo bằng văn bản đến UBND TP Quy Nhơn, đề nghị cử lực lượng hỗ trợ thu dọn. Chiều 8.2, trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết: Việc chậm khắc phục hậu quả sạt lở núi đến giờ mới nghe thông tin từ phóng viên. “Trong tuần này, tôi sẽ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền của thành phố kiểm tra và thu dọn ngay”, ông Nam khẳng định.
Chiều 11.2, chúng tôi quay trở lại khu vực sạt lở núi, người dân cho biết trong 2 ngày qua cơ quan chức năng đã cho xe múc đất đến xử lý phần lớn khối lượng đất, đá do sạt lở núi “bao vây” phía bên ngoài nhà và đường vào các nhà dân ở sát chân núi. Người dân mong muốn trong những ngày tới tiếp tục được hỗ trợ xử lý đoạn phía cuối tuyến đường Trần Thị Dừa hiện chưa thể lưu thông do khối lượng lớn đất, đá sạt xuống, có các trụ điện bị nghiêng phải dùng cây để chống đỡ. Hệ thống thoát nước trên tuyến đường cũng bị bùn đất vùi lấp gây hư hại...
Theo quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy rõ phía trong điểm sạt lở nặng nhất, ngoài 2 nhà dân nằm sát chân núi bị ảnh hưởng nhiều, còn có 1 nhà dân xây dựng phía trên cao hơn ở chân núi sát điểm sạt lở cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro... Vì vậy, về lâu dài UBND TP Quy Nhơn, UBND phường Đống Đa cùng các cơ quan chức năng nên phối hợp khảo sát, đánh giá nguyên nhân và nguy cơ sạt lở khu vực này để chủ động có phương án xử lý phòng ngừa, sơ tán dân trong mùa mưa bão, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
VĂN LƯU