NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN NGUYỄN AN PHA:
“Võ cổ truyền Bình Định” là của tất cả chúng ta!
Cuốn sách “Võ cổ truyền Bình Định” với hơn 330 trang là công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn có giá trị của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội VHNT Bình Định. Được biết, hiện nay tỉnh ta đang xúc tiến việc làm hồ sơ trình UNESCO xem xét, ghi danh “Võ cổ truyền Bình Định” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
* Cuốn sách “Võ cổ truyền Bình Định” đề cập rõ cội nguồn hình thành và phát triển võ cổ truyền Bình Định từ xưa cho đến nay. Điều đó cho thấy, dường như ông là một trong những người rất am hiểu về võ Bình Định?
- Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Bình An (nay là 3 xã: Tây An, Tây Bình và Tây Vinh) - vùng đất nổi tiếng về võ cổ truyền của Bình Định. Thời trẻ tuổi, tôi có chút kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê về võ cổ truyền khi được tập võ, xem các võ sư dạy võ... Đặc biệt, thời gian làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin (nay Sở VH&TT), tôi phụ trách mảng nghệ thuật chuyên nghiệp và văn hóa phi vật thể (hát bội, bài chòi dân gian, võ cổ truyền, lễ hội…) nên có thêm điều kiện, thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về võ cổ truyền.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha. Ảnh: A.N
Những dự án, đề tài về võ cổ truyền như: “Lễ hội Đổ giàn An Thái” (năm 2005), “Làng võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định” (năm 2006), “Chân dung võ sư, võ nhân tiêu biểu tỉnh Bình Định” (năm 2009) đã nói lên điều đó. Nhờ vậy, tôi được gặp, làm việc với các võ sư, võ nhân Bình Định trong và ngoài tỉnh, thu thập thông tin trực tiếp, qua phiếu điều tra do võ sư, võ nhân cung cấp, ghi chép rất kỹ và cụ thể về những giá trị võ cổ truyền Bình Định.
Sau này, khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và làm chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp tỉnh về võ cổ truyền Bình Định, như: “Nghiên cứu, bảo tồn Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định” (2011 - 2013); “Nghiên cứu, bảo tồn một số bài quyền võ cổ truyền Bình Định” (2015 - 2016); “Võ y võ cổ truyền Bình Định” (2017 - 2019). Nhờ nghiên cứu, tìm hiểu võ cổ truyền trong thời gian dài, tôi có thêm kiến văn về võ cổ truyền Bình Định để viết hoàn chỉnh cuốn sách này.
* Qua những điều ông nói thì quả là ông đã rất có “duyên” với võ Bình Định. Thế nhưng, đâu là lý do trực tiếp để ông theo đuổi đề tài này?
- Tôi muốn giữ lại một số tài liệu về võ cổ truyền của các võ sư, võ nhân để thế hệ mai sau có thể học hỏi, nghiên cứu, kế thừa và phát huy. Do đó, tôi tập trung tìm hiểu, nghiên cứu cách dạy võ, học võ, “sở trường, sở đoản”, hệ thống bài thiệu võ quyền, thập bát ban binh khí, những thế võ quyền, võ binh khí; hệ thống bài thuốc võ và phương pháp làm thuốc võ của những võ sư, võ nhân tiêu biểu của Bình Định. Giờ đây, có những võ sư đã quá cố, nhưng tôi đã kịp ghi chép “bí kiếp” của từng người.
* Thưa ông, vậy ông có thể cho biết nội dung nào trong cuốn sách làm ông “hao tổn giấy mực” nhất?
- Tôi nghĩ các nội dung trong cuốn sách đều có giá trị và liên quan đến nhau. Tuy nhiên, phần chân dung võ sư, võ nhân tiêu biểu và hệ thống bài thiệu võ quyền, võ binh khí của võ cổ truyền Bình Định, ảnh tư liệu, có lẽ đòi hỏi công sức đầu tư nghiên cứu, điền dã nhiều nhất. Nhất là khi tiếp cận các võ sư, tôi khai thác cho được giá trị võ quyền, võ binh khí gắn với những bài thảo, bài thiệu. Có đủ nội dung này thì mới dám khẳng định các bài võ, thế võ của các võ sư, võ nhân đó có xuất phát từ cội nguồn của võ Bình Định.
* Cuốn sách “Võ cổ truyền Bình Định” là nguồn tư liệu tốt phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản nhưng có vẻ như ông vẫn còn muốn bổ sung thêm…
- Đúng vậy! Ngoài chân dung các võ sư - cũng chỉ giới hạn từ 60 tuổi (hiện nay) đến các võ sư sinh vào đầu thế kỷ XX - trong giai đoạn này, còn một số võ sư giỏi khác của tỉnh tôi chưa có điều kiện tiếp cận, hoặc có tiếp cận nhưng sự hiểu biết về họ chưa nhiều nên chưa thể đưa vào danh mục võ sư tiêu biểu trong sách này… Tôi rất tiếc về điều này.
Cuốn sách “Võ cổ truyền Bình Định” có 5 phần, đề cập khá rõ lịch sử hình thành và phát triển võ cổ truyền Bình Định; chân dung các võ sư tiêu biểu sinh vào đầu thế kỷ XX đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Cuốn sách còn sưu tầm, ghi chép nhiều bài thiệu của những bài thảo võ quyền, võ binh khí võ cổ truyền Bình Định, nổi bật là bài thiệu của những bài thảo tiêu biểu võ quyền và võ binh khí như: Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền, Tứ trụ quyền, Lão hổ thượng sơn, Miêu tẩy diện, Tả mai vân, Nhất long quyền, Ô vân quyền cước, Miêu quyền, Bạch xà quyền, Hổ quyền…; Đản côn, Trực chỉ côn, Thất bộ côn, Lạc côn, Tam thâu tùy hình pháp, Song phượng kiếm, Đại đao xung thiên, độc long thương, lưỡng đầu kích…
Về hệ thống bài thiệu tiêu biểu của võ quyền và võ binh khí, tôi đã làm việc rất kỹ, cẩn thận từng bài để có sự thống nhất cao của các võ sư. Tuy nhiên, đây là di sản được chép đi, ghi lại nhiều lần, qua các thế hệ từ trước đến nay, có thể có những lỗi chính tả (chủ yếu là do phát âm), hoặc một số từ dị bản trong số ít bài nào đó, nhưng khi đọc bài thiệu, các võ sư, võ sĩ diễn bài thảo đều đúng các thao, động tác, thế võ trong bài.
Việc thu nhập tư liệu, bài thuốc võ cổ truyền của nhiều võ sư với gần 300 bài, nhưng tôi chỉ nêu trong sách này những bài thuốc của 24 võ sư mà tôi đã trực tiếp điền dã, gặp gỡ nhiều lần, thống nhất chọn ra những bài thuốc tiêu biểu… Một số võ sư khác cung cấp các bài thuốc, nhưng tôi chưa có điều kiện tiếp cận và làm việc trực tiếp nên chưa thể đưa vào sách.
* Ông có kỳ vọng là các nhà nghiên cứu, các võ sư, võ nhân trong tỉnh sẽ giúp đỡ ông?
- Không phải là “sẽ” mà họ “đã”. Sẽ không có sách này, tôi cũng không nghiên cứu được gì nhiều nếu các võ sư, võ nhân các nhà nghiên cứu khác không hỗ trợ, chia sẻ. Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị rất lớn, nếu có thêm nguồn tư liệu quý nhất định khi tái bản sách, tôi sẽ bổ sung chứ, điều đó sẽ phục vụ tốt cho công tác bảo tồn, phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định. Nhưng sẽ quý giá hơn, kịp thời hơn nếu chúng ta bổ sung, cập nhật được ngay. Sách thì do tôi đứng tên tác giả, nhưng “Võ cổ truyền Bình Định” là của tất cả chúng ta!
* Những dự định của ông trong tương lai về hoạt động nghiên cứu văn hóa?
- Thời gian đến, sức khỏe cho phép, tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, điền dã và viết về các làng võ, tộc võ: An Thái, Lý gia võ đạo (An Nhơn), dòng võ họ Trương (Tuy Phước) và những cuốn sách về nghệ thuật hát bội, lễ và hội của Bình Định.
* Xin cảm ơn ông. Chúc ông nhiều niềm vui và có thêm nhiều công trình nghiên cứu văn hóa khác!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)