Đánh thức tiềm năng sáng tạo
Sau hơn 4 năm triển khai, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” (do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động) đã phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của tỉnh.
Phát huy hiệu quả trong thực tế
“Phong trào “Đoàn kết sáng tạo” đã góp phần thúc đẩy nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào lao động, sản xuất. Nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp kỹ thuật mới đã được hình thành, ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, mang lại các kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, cải cách hành chính…”, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.
LĐLĐ tỉnh, tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh biểu dương các điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cách làm hay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế… Ảnh: N.M
Đến nay, hơn 100 sản phẩm trên địa bàn tỉnh được công nhận là sản phẩm OCOP, gần 100 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo xuất hiện tại các địa phương như: “Chăn nuôi bò lai Sind”, “Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học”, “Trồng cây ăn quả, rau an toàn trong nhà lưới”, “Giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất”, “Sản xuất rau an toàn” sử dụng công nghệ tưới tự động giúp gia tăng sản lượng trên đơn vị diện tích trồng trọt…
Nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, sáng tạo trong lao động, áp dụng KHKT nâng cao thu nhập mỗi năm từ 200 triệu đồng trở lên. Có thể kể đến ông Đỗ Đình Hòa (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động nhờ mô hình sản xuất nấm sò, đạt giải nhất Hội thi sáng tạo nhà nông tỉnh. Hay hộ bà Đinh Thị A Ngát (làng 2, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) với mô hình trồng cây bí đỏ, bắp lai và một số cây trồng khác, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng; hộ ông Hồ Văn Đông (thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão) với mô hình ươm 4 ha keo giống, chăn nuôi gà đẻ, gà thịt và heo thu nhập mỗi năm trên 420 triệu đồng...
Vinh danh các công trình, giải pháp tiêu biểu
Để vinh danh các sáng kiến, sáng tạo nổi bật, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh tổ chức xét chọn, giới thiệu các công trình là đề tài KH&CN đã được đánh giá nghiệm thu, có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn cao, đề xuất công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Đây đều là những mô hình hay, cách làm sáng tạo, sáng kiến tiêu biểu của toàn tỉnh, tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực KHKT, Y tế, những cải tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất, giảng dạy, đời sống của nhân dân.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã xét chọn 9 công trình, đề tài KH&CN. Có thể kể đến các đề tài: “Nghiên cứu sản xuất men rượu phục vụ sản xuất rượu đặc sản tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định”, “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phân tích một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm bằng phương pháp điện di mao quản”, “Quản lý hệ thống đê điều tỉnh Bình Định trên phần mềm BDykeGIS mã nguồn mở”, “Chế phẩm sinh học diệt trừ sâu hại rau”, “Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tiềm lực tri thức, nhà khoa học tỉnh Bình Định (ETD4.0)”, “Vòng phen Inox chì sử dụng cho ngư, lưới cụ đánh bắt xa bờ”...
Năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở KH&CN, Liên Hiệp các Hội KHKT tỉnh xét chọn, giới thiệu 2 đề tài KH&CN để Ban Chỉ đạo Biên tập Sách vàng sáng tạo Việt Nam xem xét biên tập, công bố. Kết quả, công trình “Tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ; MD2.BĐ, MD3.BĐ) giai đoạn 2000 - 2020” được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021.
NGUYỄN MUỘI