VÕ ĐƯỜNG KIM HOÀNG:
Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng
Qua hơn 20 năm hoạt động, võ đường Kim Hoàng (Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn) đã khẳng định được thương hiệu bằng những danh hiệu ở các giải đấu. Bên cạnh đó, võ đường còn cung cấp nhiều VĐV xuất sắc cho các đội tuyển tỉnh.
Năm 2019, võ đường Kim Hoàng gây tiếng vang với chiếc cúp vô địch đối kháng Giải võ cổ truyền toàn tỉnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung. Nhưng từ trước đó khá lâu, tên tuổi của võ đường này đã được nhắc đến, khi giành được nhiều thành tích cao ở các giải võ cổ truyền TX Hoài Nhơn và giới thiệu những võ sĩ có chuyên môn tốt cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh.
Võ đường Kim Hoàng được đầu tư xây dựng, trang bị khá đầy đủ dụng cụ để phát triển phong trào võ thuật ở địa phương và cung cấp VĐV cho đội tuyển tỉnh. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên “kết duyên” với nghiệp võ, võ sư Võ Khắc Hoàng - Võ đường Kim Hoàng - cho hay: “Từ năm 12 tuổi, tôi đã được ông nội dạy cho những động tác đầu tiên của võ cổ truyền. Sau đó, tôi được theo học các thầy Kim Thành (ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn), Sáu Chức rồi được theo thầy Kim Bình thi đấu võ đài ở nhiều địa phương. Mở võ đường từ năm 2000, nhưng đến năm 2005 tôi mới có những học trò đầu tiên thi đấu võ đài. May mắn là sau đó còn có một số em được vào đội tuyển tỉnh và thi đấu khá tốt”.
Trong số những VĐV thành danh từ võ đường Kim Hoàng, hai cái tên Lê Trung Kỳ và Nguyễn Thị Kim Hoàng được cho là nổi bật nhất. Trong đó, dù đến với võ thuật khá muộn, khi đã 16 tuổi, nhưng chỉ sau vài tháng tập luyện ở võ đường Kim Hoàng, năm 2006, Lê Trung Kỳ đã được các HLV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh chọn. Ở môi trường tập luyện chuyên nghiệp, võ sĩ xứ Dừa nhanh chóng phát huy những tố chất của mình để liên tiếp đoạt HCV hạng cân 48 kg, 51 kg, 54 kg ở các giải vô địch và cúp võ cổ truyền quốc gia từ năm 2007 đến 2012. Trong đó, đáng chú ý là tấm HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 hạng cân 51 kg.
Sau khi bị chấn thương gối khá nặng, năm 2013, võ sĩ SN 1989 từ giã nghiệp thi đấu, hiện là HLV đội tuyển trẻ đối kháng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Chia sẻ về những ngày đầu đến với võ thuật, Lê Trung Kỳ cho biết: “Thời điểm đó, phong trào tập luyện đối kháng ở võ đường Kim Hoàng rất mạnh. Nhờ được thầy hướng dẫn và được thi đấu cọ xát thường xuyên nên tôi có được nhiều kinh nghiệm, sớm hòa nhập được môi trường ở đội tuyển và đạt được những thành công trong sự nghiệp VĐV”.
Trong khi đó, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàng được tập trung vào đội tuyển võ cổ truyền tỉnh từ năm 2007. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn và chịu khó tập luyện, Nguyễn Thị Kim Hoàng cũng giành được nhiều thành tích nổi bật ở các giải võ cổ truyền toàn quốc. Nghỉ thi đấu, cô lập gia đình và sinh sống tại Kon Tum. Với niềm đam mê võ thuật, cô gái xứ Dừa mở phòng tập, thỉnh thoảng đưa học trò xuống giao lưu, cọ xát cùng các VĐV Bình Định.
Cách đây 2 năm, võ đường Kim Hoàng được đầu tư xây dựng khá khang trang trên diện tích gần 200 m2. Ngoài khoảng sân rộng phía trước, bên trong được trang bị sàn đài, thảm, bao cát, dụng cụ tập luyện khá đầy đủ. Với việc giới thiệu được nhiều VĐV có tố chất tốt cho các đội tuyển tỉnh, năm 2020, võ đường Kim Hoàng được chọn là 1 trong 5 vệ tinh của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Bên cạnh nội dung đối kháng, trong vài năm gần đây, võ đường Kim Hoàng còn triển khai tập quyền. Trong đó, 2 VĐV do võ đường giới thiệu đã đoạt 4 HCV ở giải võ cổ truyền học sinh toàn quốc. HLV nội dung đối kháng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định Lê Công Bút cho biết: “Võ sĩ ở võ đường Kim Hoàng được trang bị kỹ năng khá cơ bản về chuyên môn, nên việc đào tạo, huấn luyện nâng cao khá thuận lợi. Đây là một trong những lò cung cấp VĐV chất lượng, hiện trong đội còn có em Võ Quốc Phong cũng có tố chất tốt để trở thành VĐV giỏi”.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, võ sư Võ Khắc Hoàng cho biết: Thời trước kinh tế còn rất khó khăn, tôi nhớ có những lần mình phải chẻ mấy xe đá ong mới đủ tiền học võ. Vì vậy, sau này tôi muốn tạo sân chơi cho các em thanh thiếu niên mê võ có điều kiện tập luyện. Nhiều phụ huynh nhắn tin cho tôi, nói rằng từ ngày học võ các em ngoan hơn, ăn uống, học hành tốt hơn, tôi vui lắm. Trong nhiều thế hệ học trò, chưa đứa nào bị phàn nàn vì gây gổ, đánh nhau.
HOÀNG QUÂN