Đảm bảo nước tưới vụ Đông Xuân
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), nhờ thực hiện tốt kế hoạch tích nước các hồ chứa, kết nối hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước nên toàn tỉnh đảm bảo cấp đủ nước tưới cho cây trồng vụ Ðông Xuân 2021 - 2022.
Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, do đó, ngay từ đầu năm Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, các địa phương xây dựng kế hoạch tưới, tiêu phù hợp; chủ động trong công tác quản lý, vận hành tích nước tại các hồ chứa hợp lý vừa bảo đảm nước tưới vừa bảo đảm an toàn đập, hồ chứa.
Cán bộ ngành Nông nghiệp kiểm tra lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại huyện Tây Sơn. Ảnh: THU DỊU
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh sản xuất 64.573 ha, gồm 47.735 ha lúa và 16.838 ha rau màu. Đến nay, diện tích lúa Đông Xuân toàn tỉnh đạt 99,3% kế hoạch. Đây là thời điểm lúa ở chân ruộng cao làm đòng - trỗ đều, lúa ở chân ruộng 3 vụ đang làm đòng, lúa ở chân 2 vụ giai đoạn cuối đẻ nhánh, cần được cung đầy đủ nước, dinh dưỡng để đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, hiện diện tích lúa vụ Đông Xuân đang phát triển tốt.
Đối với cây trồng cạn, toàn tỉnh đã gieo trồng được: Bắp 2.039 ha/2.410 ha (đạt 84,6% kế hoạch); đậu phụng 7.244 ha/7.970 ha (đạt 90,9%); rau các loại 4.814 ha/5.631 ha (đạt 85,5%); đậu các loại 1.132 ha/880 ha (tãng 28,6%).
Theo Chi cục Thủy lợi, dựa trên diện tích sản xuất, ngành Thủy lợi xây dựng phương án tưới, tiêu, phân khu cụ thể để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ, đồng thời điều tiết nước cho vụ sau. Toàn tỉnh có 163 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hệ thống này đã tích được 98,7% dung tích thiết kế, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nước đã tích tại các hồ chứa, các đập dâng, trạm bơm đảm bảo cung cấp cho 74% diện tích sản xuất vụ Đông Xuân, trong đó các hệ thống lớn như: Hệ thống Định Bình - Văn Phong - Sông Kôn 18.468 ha; hệ thống các hồ tưới 8.073 ha; hệ thống tưới đập Lại Giang 1.398 ha; còn lại là hệ thống tưới của công trình thủy lợi ở địa phương... Đối với diện tích còn lại, người dân tận dụng nguồn nước sẵn có (ao hồ, sông suối, nước mưa) để phục vụ sản xuất.
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, về cơ bản vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh không lo thiếu nước. Việc lên kế hoạch tưới tiêu vụ Đông Xuân hợp lý không chỉ góp phần đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân hiệu quả mà còn tạo điều kiện để sản xuất vụ Hè, vụ Thu hiệu quả. Do đó, cùng với việc triển khai kế hoạch tưới, tiêu, ngành Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định vận hành, điều tiết nước tưới các hồ chứa hợp lý và tiết kiệm. Hướng dẫn các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mưa từ ao, hồ, sông suối, mương rạch, đắp bờ giữ nước để cấp nước cày ải, làm đất theo lịch thời vụ được thống nhất để tiết kiệm nguồn nước hồ chứa, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp tưới tiết kiệm để dành nguồn nước cung cấp cho sản xuất vụ Hè, vụ Thu.
Cùng với việc điều tiết nguồn nước, Chi cục Thủy lợi tham mưu Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương trong việc triển khai thực hiện kênh cố hóa kênh mương nội đồng; tổ chức nạo vét luồng lạch, vệ sinh, khơi thông kênh mương, cầu cống để đảm bảo đưa nước đầy đủ về các chân ruộng; hạn chế thất thoát. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa kênh mương 2.304/2.944 km, đảm bảo tưới cho hơn 88.000 ha diện tích sản xuất.
THU DỊU