Nâng tầm mai vàng Bình Ðịnh
Mai vàng Bình Ðịnh từ lâu đã trở thành nét rất riêng biệt của “xứ Nẫu”. Ðể nâng cao giá trị, danh tiếng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, tỉnh đã lên kế hoạch đăng ký và phát triển chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Ðịnh.
Trong những ngày đầu Xuân 2022, hội thảo khoa học Chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định được tổ chức tại TX An Nhơn, thủ phủ mai vàng Bình Định, thu hút nhiều nghệ nhân, người yêu cây cảnh tham gia.
Mai vàng Bình Định được ưa chuộng nhờ có dáng thế độc đáo, hoa nở to và đẹp. Ảnh: HỒNG HÀ
Ông Lê Văn Sáu, chủ vườn mai Sáu Hồng, ở xã Nhơn An, TX An Nhơn cho biết: Tôi có 25 năm trong nghề, từ khi cây mai vàng còn ít người biết đến, nay rất vui khi thấy loại cây cảnh truyền thống của địa phương có cơ hội được chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mai vàng Bình Định có những nét đặc trưng rất riêng biệt mà các vùng miền khác không có. Có thể kể đến: Cây có bố cục, dáng thế long đẹp mắt, góc cạnh sắc nét nhờ được uốn nắn công phu từ nhỏ; mai Bình Định đơn cành, thưa tán, gốc bồ, ngọn chỉ. Nhờ thương hiệu đó mà người sành mai cả nước đều đổ về đây mua mai mỗi dịp Tết.
Hội thảo Chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định là sự kiện nhằm triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định” do Sở KH&CN thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Mục đích nhiệm vụ là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai giống hoa mai vàng đặc trưng của tỉnh là giống mai Giảo và giống Cúc mai. Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, chủ nhiệm nhiệm vụ, chia sẻ: “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai giống mai chủ lực này gắn với địa danh Bình Định không chỉ giúp phát huy giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng mai mà còn góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý”.
“Bình Định hiện có nhiều sản phẩm đặc thù mang tính đặc trưng của địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao. Song, rất tiếc là cho đến thời điểm này, tỉnh chưa có sản phẩm nào được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Phát triển chỉ dẫn địa lý là công cụ giúp DN gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, và đảm bảo sự phát triển bền vững”
Ông PHAN NGÂN SƠN, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
Trọng tâm của nhiệm vụ là lấy ý kiến đóng góp của người dân, DN và dựa trên sự phân tích các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phương pháp canh tác để từ đó xác định những dấu hiệu đặc trưng mang tính đặc thù của mai vàng Bình Định. Theo nhiều nghệ nhân chơi mai, mai vàng Bình Định khó sống ở những vùng đất khác. Có lẽ phần nhiều là do các yếu tố chăm sóc, cắt tỉa, kích hoa nở không thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu những địa phương khác với Bình Định. “Nét đặc thù trên là cơ sở khoa học để tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Định. Khi có chỉ dẫn, giá trị kinh tế của cây mai Bình Định sẽ thay đổi rất nhiều, sẽ tác động để hình thành cả một ngành kinh tế liên quan đến cây mai - ví dụ phân bón riêng cho mai, sản xuất đôn chậu, du lịch vườn mai…, chứ không chỉ mỗi một sản phẩm cây mai”, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhận xét.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, phân tích: “Chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm. Khi mai vàng Bình Định được gắn chỉ dẫn, có thể thông thương đến bất kỳ thị trường nào trong nước, kể cả quốc tế. Qua đó, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Vả lại, sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt được mai vàng của Bình Định với mai được trồng từ các vùng khác”.
Hơn hết, việc đăng ký bảo hộ giúp mang lại tác động tích cực đối với người dân trong việc giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm các làng nghề trồng mai vàng của tỉnh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
HỒNG HÀ