World Cup 2014: Nhảy múa cùng Brazuca
32 đội tuyển sắp phải đi cả chặng đường dài để tìm ra nhà vô địch World Cup 2014. Nhưng có 1 gạch nối kéo dài suốt chặng đường ấy, đó chính là trái bóng Brazuca.
Nếu không lật lại hồ sơ World Cup, thì ít người biết, tại trận chung kết của giải đầu tiên vào năm 1930, mỗi hiệp được sử dụng... 1 quả bóng khác nhau! Nếu hiệp 1, đội khách Argentina dẫn trước 2-1, thì hiệp 2 với trái bóng mới, Uruguay đã lội ngược dòng, ghi tới 3 bàn để đăng quang với tỷ số 4-2!
Đến World Cup 1970, khi hãng thể thao Adidas trở thành nhà thiết kế và cung cấp bóng duy nhất cho các VCK kể từ đó đến nay, trái bóng mới trở thành chủ đề nóng, gây không ít tranh cãi khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra.
Bắt đầu với “Telstar” tại Mexico 1970 với 32 miếng màu đen trắng (phục vụ tivi thời đó vẫn là đen trắng) để đưa đội tuyển Brazil lần thứ 3 VĐTG và giành vĩnh viễn Cúp Nữ thần Vàng.
Sau “Tango” Argentina 1978, trái bóng đắt nhất thế giới ngày đó, những công nghệ mới nhất được Adidas bắt đầu áp dụng để tạo nên: Azteca của Mexico 1986; Etrusco Unico Italia 1990; Questra Mỹ 1994; Tricolore Pháp 1998; Fevernova Nhật Bản - Hàn Quốc 2002; Teamgeist Đức 2006..
Nhưng bên cạnh những cải tiến là… tranh cãi. Làn sóng tranh cãi dâng cao nhất vào năm 2010 với trái bóng “Jabulani” được dùng tại World Cup Nam Phi 2010 bị coi là "thảm họa" khi nó được xem là nguyên nhân khiến giải có quá ít bàn thắng, bị thủ môn và các HLV tẩy chay.
Hiển nhiên, Adidas và Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA không muốn lặp lại sai lầm tại World Cup 2010 và “Brazuca” ra đời với 2 năm rưỡi thử nghiệm và được hơn 600 cầu thủ của 10 quốc gia sử dụng.
Brazuca thậm chí đã được sử dụng bí mật trong một trận đấu quốc tế cấp đội tuyển nhằm kiểm tra độ tương thích, sau khi tiến hành hàng loạt thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với các danh thủ.
Điểm khác biệt lớn nhất của Brazuca chính là được tạo thành bởi 6 miếng ghép thay vì là 8 như của trái bóng Jabulani, chưa nói đến chất liệu của bóng. Với trọng lượng 437g, Brazuca nhẹ hơn 1g so với Jabulani, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ bay giữ ở mức 48km/h cùng quỹ đạo ổn định hơn.
“Brazuca” theo ngôn ngữ của Brazil có nghĩa là “người Brazil”. Cái tên này đã được chọn sau một cuộc bỏ phiếu trực tuyến với hơn 1 triệu người tham gia và trái bóng đã chính thức ra mắt vào ngày 3.12.2013.
Chưa ai có thể kết luận chính xác "số phận" của Brazuca khi mà World Cup 2014 còn chưa bắt đầu. Tuy nhiên, từ phản ứng tích cực của giới khoa học, chuyên môn và chính các cầu thủ, Adidas và FIFA đơn giản chỉ muốn không còn ai phàn nàn về điều này để giải đấu hấp dẫn hơn và cũng nhiều bàn thắng hơn.
. Theo Hoàng Hà (Chinhphu.vn)