Nón ngựa Phú Gia và cơ hội mới
Xã Cát Tường, huyện Phù Cát, có nhiều nghề truyền thống như làm nón ngựa, làm nhang, làm bánh cốm, đúc đồng. Trong đó, riêng sản phẩm nón ngựa Phú Gia, được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cát Tường được chọn đầu tư làm làng văn hóa du lịch của tỉnh, khiến nghề nón có thêm cơ hội lớn.
Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của nón lá, là một sản phẩm có giá trị mỹ thuật cao, chiếc nón ngựa đang được người dân làng nghề Cát Tường từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Làng nón ngựa Phú Gia, Cát Tường có tuổi đời hơn 300 năm. Toàn xã hiện có khoảng 320 hộ với trên 700 lao động làm nón. Theo bà con làng nghề, vài năm gần đây nón ngựa tiêu thụ khá mạnh, nhưng phần lớn đơn hàng là nón lật, bởi chiếc nón ngựa truyền thống làm rất công phu, giá cao lên đến 400 - 500 nghìn đồng/ chiếc. Còn chiếc nón lật thì làm đơn giản hơn nên giá chỉ từ 80.000 đến 150 nghìn đồng/chiếc.
Bà Trần Thị Kéo, một nghệ nhân làm nón ngựa ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường kể: Tôi làm nghề này cùng với cha mẹ từ hồi 15 tuổi tới bây giờ. Hiện nay, tôi đã 85 tuổi và tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Thu nhập không cao nhưng cũng không thấp. Nhiều người băn khoăn rằng, bây giờ ai còn đội nón mà theo nghề. Nhưng nón cứ tiêu thụ đều đều, người ta không đội thì đem làm đồ trang trí; nón ngựa giá cao hơn nón thường gấp nhiều lần mà vẫn có nhiều du khách thích. Từ khi có thêm khách du lịch, nghề nón dễ thở hẳn.
Nón ngựa là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mỉ và tài hoa trong từng đường nét. Để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải làm nhiều ngày. 73 tuổi, nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã có đến 58 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời chuyên làm nón ngựa và như một sự tự nhiên, ông nhanh chóng trở thành nghệ nhân xuất sắc trong nghề làm nón ngựa Phú Gia. Nghệ nhân Đỗ Văn Lan cho biết: Làm nón ngựa mất nhiều công và phải trải qua 3 công đoạn: Làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Hiện nay, mỗi công đoạn có một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa; hai thôn Phú Gia, Xuân Quang mua sườn mê về làm ra nón thành phẩm hoàn chỉnh.
Mấy năm gần đây, khi du khách - nhất là du khách nước ngoài - khi có nhu cầu tham quan những làng nghề thủ công, hầu hết đều được giới thiệu đến Cát Tường và đặc biệt là làng nón Phú Gia. Nhờ thế, nghề làm nón đã tạo ra được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hơn nữa, nghề này cho phép cả người già, trẻ em tham gia vào nhiều công đoạn, mức độ linh hoạt trong công việc rất cao. Do vậy, nghề nón ngày càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển.
Ở Cát Tường, doanh thu mỗi năm từ các làng nghề chiếm 44% tổng thu nhập của địa phương. Có nhiều hộ làm các nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm nón, đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nhiều hộ nghèo đã vươn lên ổn định cuộc sống. Song do sản xuất với quy mô gia đình nên chưa tạo được thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế khác như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn để đầu tư đổi mới thiết bị dẫn đến năng suất, mẫu mã sản phẩm đơn điệu...
Để phát triển làng nghề, trong 5 năm qua, Cát Tường đã đầu tư làm đường bê tông vào đến tận làng nón, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa, kéo lưới điện hạ thế hoàn chỉnh đến các thôn Phú Gia, Xuân Quang và Kiều Đông. Ngoài ra, xã cũng đã lập dự án hỗ trợ các hộ đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Kế Sinh, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: Chúng tôi đã hỗ trợ bà con lập nhiều dự án vay vốn ưu đãi của nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất; tìm cách kết nối với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học để hỗ trợ bà con về ứng dụng kỹ thuật mới, kể cả cách thức bán hàng… Bước đầu bà con rất phấn khởi và nhận thấy rằng không thể cứ dựa mãi vào chuyện “trước bày nay làm”, “xưa sao giờ vậy”… Với việc được chọn đầu tư làm làng văn hóa du lịch của tỉnh, các làng nghề của chúng tôi có thêm cơ hội lớn, trước tiên là nghề nón.
THẾ HÀ