Độc đáo những cỗ máy thủ công
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị văn hóa của các công cụ sản xuất thủ công truyền thống với các thế hệ sau này, Bảo tàng tỉnh đã đẩy mạnh đề án sưu tầm hiện vật công cụ sản xuất xưa của người Bình Định.
Để phản ánh những bước tiến sáng tạo của con người trong quá trình cải tạo tự nhiên và nâng cao năng suất lao động của cha ông thuở trước, việc giữ gìn và giới thiệu những công cụ, phương tiện sản xuất thủ công là rất cần thiết; góp phần giúp cho thế hệ trẻ sau này có thể hình dung được trước đây cha ông mình đã lao động và sáng tạo các giá trị văn hóa như thế nào. Trong số khá nhiều công cụ sản xuất thủ công sưu tầm được, đáng chú ý là những cỗ máy vận hành thủ công nhưng mang lại hiệu suất lao động rất cao mà ông cha ta đã sáng tạo ra cách nay hàng trăm năm. Để làm ra được những cỗ máy sản xuất thủ công này đòi hỏi người thợ phải lành nghề, trình độ kỹ thuật rất cao. Vì vậy, có thể nói những cỗ máy thủ công chứa đựng trong đó rất nhiều tri thức dân gian của cha ông thuở trước được đúc kết trong quá trình lao động, sáng tạo.
Cối xay lúa thủ công. Ảnh: NGUYỄN VIẾT TUẤN
Trước hết, phải kể đến hai bộ che ép mía thủ công mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm được. Bộ che ép mía gồm 3 trục, một trục cái và hai trục con. Các trục liên kết với nhau bằng bánh răng gỗ. Đây là một cỗ máy ép mía thủ công dùng sức trâu, bò có kết cấu khá phức tạp mà cha ông ta đã dày công sáng tạo. Cách đây chừng 20 - 30 năm, cỗ máy này còn khá phổ biến tại các làng quê, nhưng nay với sự xuất hiện của các thiết bị cơ khí hiện đại nếu không nhanh tay sưu tầm, lưu trữ có lẽ chỉ ít lâu nữa thôi ta phải mày mò làm lại để có cái nói với con cháu.
Một hiện vật độc đáo khác mà Bảo tàng sưu tầm được là hai chiếc cối xay lúa thủ công. Đây cũng được xem là một cỗ máy thủ công độc đáo được cha ông sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất. Tuy là một cỗ máy thủ công nhưng không phải ai cũng có thể làm được, và cũng không phải ai làm được thì chất lượng cũng như nhau. Phải tích lũy kiến thức, trải nghiệm và chắt lọc đủ lâu thì người thợ mới có thể làm ra được những chiếc cối xay lúa vận hành êm, nhẹ; khi xay hạt lúa chỉ vừa đủ bong vỏ trấu chứ không bị nát. Điểm rất thông minh và sáng tạo là chiếc cối xay lúa được làm từ chất liệu chính là tre nứa và đất nện. Cấu tạo gồm 3 bộ phận chính là chân đế, thớt dưới và thớt trên. Chân đế hình chữ thập làm bằng gỗ vững chãi. Thớt dưới có gắn vành rộng để chứa hỗn hợp gạo và trấu khi xay rớt xuống. Thớt trên dện đất và tạo độ lõm để chứa lúa nguyên liệu xay, đồng thời cũng là điểm gắn càng của tay quay. Thớt trên và thớt dưới gắn kết với nhau bởi một cái ắc (trục quay). Mặt tiếp xúc giữa hai thớt có nhiều răng cưa bằng tre có tác dụng nghiền nát hạt lúa thành gạo và vỏ trấu khi xay. Chính xác như thế nên để làm ra một chiếc cối xay lúa hoạt động tốt, người thợ phải mất cả tháng trời, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến lúc hoàn thiện.
Một cỗ máy thủ công độc đáo khác mà Bảo tàng tỉnh Bình Định sưu tầm được chính là chiếc máy quạt lúa. Đây là một sản phẩm ra đời khá muộn so với che ép mía và cối xay lúa nhưng hiệu quả mà nó mang lại là rất lớn. Cách nay khoảng hơn 10 năm, cỗ máy này vẫn còn hữu dụng ở các làng quê, nhưng hiện nay do sự xuất hiện của các máy gặt liên hợp vừa cắt lúa, tuốt lúa, vừa phân hạt chắc, hạt lép nên nó dần ít được sử dụng và vắng bóng dần.
Máy quạt lúa được làm bằng chất liệu gỗ, gồm nhiều chi tiết và bộ phận khá phức tạp. Đây được xem là cỗ máy thủ công sử dụng để quạt lúa khá hiệu quả. Những bộ phận chính gồm: Cửa đổ lúa hình phễu (hình chóp ngược) có lỗ để lúa lọt xuống hộp chứa đường ra của lúa chắc và lúa lép; đường ra của hạt lúa chắc được đặt phía trước cửa ra của hạt lúa lép; hộp chứa cánh quạt được đóng dạng tròn, đường kính khá lớn; cánh quạt được gắn với tay quay ở phía ngoài. Tất cả các bộ phận trên được gắn lên một khung gỗ khá chắc chắn, có 4 chân trụ và 4 đòn ngang để dễ dàng di chuyển đến những nơi cần dùng.
Ngoài ra, Bảo tàng còn sưu tầm được các loại hình công cụ sản xuất truyền thống khác như: Cối xay bột bằng đá, cày gỗ, bừa gỗ, chiếc nũi, chiếc đôm, giỏ đựng cá, xúc cá, cối giã gạo, đụt bắt cá, xa kéo sợi… bổ sung thêm vào bộ sưu tập hiện vật văn hóa truyền thống của Bảo tàng, giúp cho việc giới thiệu đến khách tham quan nói chung và thế hệ trẻ nói riêng những nét văn hóa sản xuất truyền thống của cha ông thuở trước.
NGUYỄN VIẾT TUẤN