Những người mê “trò chuyện với quá khứ”
Đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Đủ, 58 tuổi, ở xã Tây An (huyện Tây Sơn) người ta dễ thấy ngay từ ngoài ngõ vào đến trong nhà rất nhiều tượng đá, đất nung đủ loại từ thời xa xưa. Ông Đủ là người sưu tầm cổ vật có tiếng ở Bình Định. Ông tâm sự: Tôi mê chơi đồ xưa từ năm 1984, đến nay trong nhà tôi có hơn 1.000 món. Ban đầu mình sưu tầm vì niềm vui cuộc sống. Dần dần khi hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các thông tin liên quan, tự mình thấy phải có trách nhiệm góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc. Đó cũng là lý do tôi tham gia CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Gia Lai.
Ông Nguyễn Văn Đủ bên bộ sưu tập tiền cổ nhà Tây Sơn. Ảnh: VĂN PHONG
Ngoài việc sưu tầm các món đồ cổ, ông Đủ còn dành nhiều thời gian gặp gỡ giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức. Đối với ông, chuyện học là không bao giờ dừng, càng học càng thấy vui với kiến thức có được, dù đôi khi đó chỉ là những điều đơn giản, thậm chí là điều người khác rất rành mà giờ mình mới biết. Cũng chính vì thế, ông Đủ đã đồng ý nhượng lại bộ sưu tập tiền cổ thời Tây Sơn khá hoàn chỉnh cho Bảo tàng Quang Trung; nhượng lại trống đồng và các hiện vật thời Chămpa cho Bảo tàng tỉnh... Ông chia sẻ: Về với cơ quan nhà nước, những hiện vật ấy sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi hơn là ở nhà tôi!
Tương tự ông Đủ là ông Nguyễn Văn Thanh, 55 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, hội viên CLB UNESCO Bình Định. Trò chuyện với tôi, ông Thanh chia sẻ: Tôi có cái may là quen được nhiều đàn anh đi trước và sớm chuyển từ thú vui sưu tầm đơn giản thành một môn chơi giàu chất trí tuệ. Tôi nhận ra, sưu tầm đồ cổ giúp người chơi hiểu thêm về lịch sử, về nguồn cội cùng những tầng tri thức bề bề lớp lớp. Kiến thức thì vô cùng, không thể tích lũy nhanh và học hết được mà phải học hỏi suốt đời. Dù rất cố gắng nhưng hiểu biết của tôi về cổ vật chưa nhiều, chưa tường tận, nhưng trong quá trình học hỏi, mỗi tiến bộ dù nhỏ đến mấy vẫn khiến mình hạnh phúc thật nhiều.
VĂN PHONG