EU tính triệu tập Thượng đỉnh bất thường vì khủng hoảng Ukraine
Cuộc họp Thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu có thể được tổ chức ngay trong tuần này, tiếp nối Thượng đỉnh châu Âu- châu Phi sẽ diễn ra trong hai ngày 17.2 và 18.2 tại Brussels.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ nhóm họp Thượng đỉnh bất thường ngay trong tuần này tại Brussels nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn cho rằng nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine đang cận kề.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Ukraine ngày 14.2. Ảnh: DW
Nguồn tin được một số quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu tiết lộ cho báo chí châu Âu trong ngày 14.2 cho biết, cuộc họp Thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu có thể được tổ chức ngay trong tuần này, tiếp nối Thượng đỉnh châu Âu- châu Phi sẽ diễn ra trong hai ngày 17.2 và 18.2 tại Brussels.
Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra ngay sau khi các nước châu Âu được thông báo về kết quả của cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức, Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại Moscow (Nga).
Đây là một phần trong số những hoạt động ngoại giao dồn dập được các nước phương Tây tiến hành trong những ngày qua nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan tình báo phương Tây dự đoán Nga có thể tấn công quân sự Ukraine ngay trong tuần này, chứ không đợi đến khi Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh kết thúc vào ngày 20.2 như đa số các nhận định ban đầu.
Trong ngày 14.2, trọng tâm của các hoạt động ngoại giao tại châu Âu là chuyến thăm đến Ukraine của Thủ tướng Đức, Olaf Scholz. Tại thủ đô Kiev, ông Olaf Scholz đã lên tiếng yêu cầu Nga giảm sức ép với Ukraine và tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Báo chí Đức đưa tin, sau khi đến Ukraine, ông Olaf Scholz sẽ tiếp tục mang thông điệp đe dọa trừng phạt kinh tế nặng nề đến Moscow nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin xuống thang.
Tuy nhiên, nguồn tin từ các quan chức chính quyền Đức cũng cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không hy vọng đạt được đột phá trong chuyến thăm Nga.
Cùng lúc đó, chính quyền một số nước châu Âu tiếp tục giữ các giọng điệu chỉ trích và gây sức ép lên phía Nga. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Nga dừng bước trước bờ vực.
Còn Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss thì nhắc lại cảnh báo từ cơ quan tình báo Anh rằng một cuộc tấn công quân sự của Nga có thể diễn ra ngay lập tức: “Đó là lí do các công dân Anh cần phải rời Ukraine, nhưng chúng tôi vẫn đang theo đuổi con đường ngoại giao và giảm căng thẳng. Thủ tướng Boris Johnson và tôi sẽ công du châu Âu trong tuần này và chúng tôi vẫn đang làm việc để thuyết phục phía Nga rút quân khỏi khu vực biên giới bởi một cuộc chiến tranh sẽ là thảm họa”.
Theo thông tin từ báo chí Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự tính sẽ thăm một số quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển hoặc một số nước Baltic nhằm thảo luận khủng hoảng Ukraine.
Trong ngày 14.2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng thông báo việc Anh gửi thêm một số ít binh lính đến Litva nhằm trấn an các đồng minh NATO tại khu vực này.
Trong ngày 17.2, Ngoại trưởng các nước thuộc liên minh quân sự NATO cũng sẽ có cuộc họp tại Brussels và chủ đề quan trọng nhất vẫn sẽ là cách thức phản ứng của các nước NATO với các diễn biến hiện nay xung quanh khủng hoảng Ukraine.
Ngày 14.2, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian cho biết, các nước phương Tây đã sẵn sàng để áp dụng ngay lập tức các trừng phạt nặng nề với Nga nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine nhưng cũng thừa nhận, các lệnh trừng phạt này cũng sẽ gây tổn hại đến chính các nước châu Âu./.
(Theo Quang Dũng/VOV-Paris)