Nông dân Vĩnh Thạnh phát triển nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh: Trong năm 2021, Hội Nông dân huyện đã thành lập 2 nhóm hợp tác đan khung ghế nhựa tại 2 xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Hiệp, với 16 hộ tham gia. Phát triển mới 4 tổ hội nghề nghiệp, gồm: Tổ hội trồng khổ qua thôn Định Quang, tổ hội trồng kiệu thôn Định Xuân (xã Vĩnh Quang), tổ hội chăn nuôi bò sinh sản thôn Vĩnh Khương (xã Vĩnh Hiệp), tổ hội chăn nuôi dê thôn M6 (xã Vĩnh Hòa). Đến nay, toàn huyện có 11 tổ hội nghề nghiệp với 144 hộ tham gia. Sau khi tham gia các tổ hội nghề nghiệp, hầu hết các gia đình đều khá lên.
Mô hình nuôi cá mè vinh tại hộ ông Đinh Đói. Ảnh: Đ. PHƯƠNG
Hội Nông dân huyện cùng ngành Nông nghiệp các cấp tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho hội viên ứng dụng vào sản xuất. Trong năm 2021, Hội phối hợp mở lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 100 hội viên trên địa bàn huyện; tổ chức 2 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại 2 xã Vĩnh Quang và Vĩnh Thịnh; mở 5 lớp kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi theo hướng VietGAP.
Vụ Hè - Thu 2021, Hội Nông dân huyện triển khai thí điểm mô hình trồng cây khổ qua trên diện tích 4 sào tại hộ ông Lê Văn Thành ở thôn Định Quang (xã Vĩnh Quang) theo hướng hữu cơ. Ông Thành chia sẻ: Trước khi thực hiện mô hình, tôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng khổ qua rất bài bản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện còn hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, thường xuyên xuống tận vườn theo dõi nên năng suất đạt hơn 1 tấn/sào, bán với giá 12.000 - 15.000 đồng/kg. Khổ qua trồng theo hướng hữu cơ đạt năng suất cao, nên vụ rau Tết năm nay tôi tiếp tục trồng, bán rất được giá, 40.000 đồng/kg.
Năm qua, Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp hỗ trợ vốn cho 2 hội viên khó khăn ở thôn Hà Ri và Thạnh Quang để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hộ ông Đinh Đói (thôn Thạnh Quang) được mượn 1,5 triệu đồng và hỗ trợ 500 nghìn đồng để mua 7 kg giống cá mè vinh về thả nuôi trong ao rộng hơn 600 m2 vào hồi tháng 6.2021. Theo ông Đói, đến nay đàn cá phát triển tốt, lớn bằng ba ngón tay, tầm tháng 4 là có thể thu hoạch.
“Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và cùng hội viên xây dựng các mô hình, cách làm sáng tạo để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của huyện, như: Rượu Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Hiệp), Rượu nhung nai (xã Vĩnh Kim), nem chả Phương Hội (xã Vĩnh Thịnh), rau sạch (xã Vĩnh Quang)”, ông Xinh cho biết thêm.
ĐÌNH PHƯƠNG