Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa Đông Xuân
Vụ Đông Xuân năm nay - vụ sản xuất chính, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm của tỉnh - diễn ra trong tình hình thời tiết bất thuận lợi, đến thời điểm này bắt đầu xuất hiện một số dịch hại trên cây lúa như rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ...
Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực (TT&BVTV), vụ Đông Xuân 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, mưa lũ muộn và kéo dài gây ngập úng khiến nhiều diện tích gieo sạ bị hư hỏng. Đến nay, toàn tỉnh sản xuất được 47.600 ha lúa, đạt hơn 98% kế hoạch năm. Lúa vụ Đông Xuân đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng - đây là một trong những mốc thời gian quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Cùng với việc đảm bảo đầy đủ nước, dinh dưỡng, việc phòng trừ dịch hại cũng hết sức quan trọng. Đến nay, tình hình dịch hại trên cây lúa ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động trong công tác kiểm tra, đánh giá tình hình, dự báo và hướng dẫn chính quyền các địa phương, khuyến cáo nông dân chủ động phòng ngừa dịch hại.
Cán bộ kỹ thuật của Chi cục TT&BVTV trực tiếp kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh hại cây lúa. Ảnh: THU DỊU
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho hay, ngay từ đầu vụ, Chi cục lên kế hoạch dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân, trong đó tập trung vào cây lúa và nhóm cây trồng cạn chủ lực của tỉnh. Theo đó, Chi cục cử cán bộ tăng cường công tác điều tra phát hiện dịch hại kết hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cơ cấu giống, lịch thời vụ để dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa. Chi cục phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, thực hiện tốt công tác kiểm tra tình hình dịch hại ở các vùng trọng điểm, thời kỳ xung yếu của cây trồng nhằm phát hiện sớm dịch hại, khoanh vùng, phòng trừ. Qua kiểm tra thực tế, ở một số địa phương đã ghi nhận tình trạng xuất hiện rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá sinh lý... Rất may là hiện tượng diễn ra ở diện hẹp, hơn nữa nhờ thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời, Chi cục TT&BVTV có khuyến cáo đến các địa phương, phối hợp trong công tác phòng chống sâu bệnh, dịch hại, đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo chia sẻ của nông dân Bùi Thúc Báo (thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), sau Tết, gia đình ông thường xuyên thăm đồng, vừa kiểm tra lúa vừa xem xét tình hình sâu bệnh. Trước đó, theo khuyến cáo của ngành chức năng, ông thường xuyên theo dõi tình hình cây lúa, nhờ đó kịp thời phát hiện rầy nâu, đạo ôn để xử lý.
Theo ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, vụ Đông Xuân 2021- 2022 thị xã sản xuất 6.408 ha, hiện lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt. Qua khuyến cáo của Chi cục TT&BVTV, Phòng Kinh tế TX An Nhơn phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các địa phương theo dõi tình hình dịch hại. Đến nay, đánh giá chung là tình hình dịch hại trên cây trồng ở mức thấp, trong tầm kiểm soát; ngành chức năng tuyên truyền hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phát hiện sớm dịch hại kịp thời khoanh vùng, xử lý.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho hay, việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng là giải pháp tức thời, nhưng về lâu dài, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan trong đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ BVTV vào sản xuất, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học, chương trình IPM, ICP, SRI, VietGAP... Trong phòng dịch hại, yếu tố quan trọng là phát hiện sớm dịch bệnh và khoanh vùng ở diện hẹp để phòng trừ, tránh trường hợp dịch bùng phát lây lan diện rộng. Việc nông dân chủ động thăm đồng thường xuyên - một trong các yếu tố của biện pháp canh tác IPM, ICP, SRI mang lại hiệu quả trong việc sớm phát hiện dịch hại, khoanh vùng diện hẹp và xử lý dịch hại hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 ha lúa sản xuất theo phương thức SRI áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM.
THU DỊU