Chuyên gia bóng đá Ðoàn Minh Xương: Làm bóng đá trẻ cần tư duy khác
Ðang trong quá trình hợp tác xây dựng bóng đá trẻ Bình Ðịnh, chuyên gia bóng đá Ðoàn Minh Xương đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Bình Ðịnh về những kinh nghiệm và ý tưởng có thể áp dụng trong việc phát triển phong trào và đào tạo cầu thủ bóng đá theo hướng chuyên nghiệp.
● Từng có nhiều năm làm công tác huấn luyện, đào tạo bóng đá trẻ ở Đồng Tháp từ những năm 80 của thế kỷ trước, với những “sản phẩm” chất lượng như: Trần Công Minh, Huỳnh Quốc Cường, Nguyễn Trung Vĩnh, Nguyễn Quý Sửu, Đoàn Việt Cường, Phan Thanh Bình…, hẳn ông đã trang bị cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá?
- Cũng không hẳn vậy đâu! Làm bóng đá trẻ trước đây khác với hiện nay rất nhiều. Khi đó chúng tôi chưa có giáo án bài bản, chủ yếu cũng chỉ cho các em chuyền bóng, sút bóng… Bây giờ, các đội bóng luôn đòi hỏi cầu thủ phải có tư duy chiến thuật, biết di chuyển, phối hợp đồng đội chứ không chỉ dựa vào kỹ thuật, thể lực của cá nhân; ngoài những yếu tố cơ bản, cầu thủ cần phải có nền tảng vững chắc để thích ứng với những chiến thuật khác nhau ở từng thời điểm. Cũng vì vậy mà tôi luôn cố gắng học hỏi để hiểu thêm về cách làm bóng đá trong những thời điểm khác nhau.
● Điều gì khiến ông đột ngột từ bỏ vai trò HLV ở sân chơi V-League để chuyển hướng sang làm bóng đá cộng đồng?
- Năm 2012, tôi được sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo về bóng đá cộng đồng. Tại đây, tôi nhận thấy họ có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản cho tương lai. Đặc biệt, người ta làm vì sự phát triển của một nền bóng đá, chứ không phải vì thành tích cho cá nhân mình. Chính điều đó đã giúp bóng đá Nhật Bản duy trì được vị thế của mình ở khu vực châu Á và tiến gần đến những nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Làm tốt bóng đá cộng đồng sẽ giúp phong trào phát triển rộng hơn, xuất hiện nhiều tài năng trẻ hơn.
Trong ảnh: Các em nhỏ tham gia lớp bóng đá cộng đồng Vietfootball Quy Nhơn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Bóng đá cộng đồng là sân chơi dành cho các em nhỏ mê bóng đá, do đó, điều đầu tiên là chúng ta phải tạo được sự hứng thú, thoải mái cho các em. Một khi bóng đá được “phủ sóng” ở hầu khắp các địa phương, chúng ta sẽ tìm thấy những tài năng cho bóng đá nước nhà. Tôi muốn mình tham gia một phần vào việc khơi nguồn đam mê bóng đá cho các em nhỏ.
● Sau hơn 8 năm làm bóng đá cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh, ông tâm đắc nhất điều gì?
- Có nhiều thứ để tôi cảm thấy vui với công việc này, đầu tiên là số lượng các em nhỏ đến với bóng đá nhiều hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với sức khỏe các em tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn, phụ huynh rất ủng hộ điều này. Ở khía cạnh chuyên nghiệp, bóng đá TP Hồ Chí Minh nói riêng chắc chắn sẽ hưởng lợi trong tương lai, khi có nguồn cầu thủ dồi dào để tuyển chọn, đào tạo. Hiện trong số 25 em của đội U17 Việt Nam chuẩn bị sang CHLB Đức tập huấn có 7 em trưởng thành từ bóng đá cộng đồng TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, công tác xã hội hóa trong phát triển bóng đá cộng đồng cũng ngày càng được quan tâm hơn.
● Với Bình Định, để có thể phát triển phong trào bóng đá trẻ cần những điều kiện gì, thưa ông?
- Hiện ở Bình Định còn thiếu một số điều kiện quan trọng như HLV và hệ thống cơ sở vật chất. Dù vậy, theo khảo sát của tôi, chúng ta vẫn có thể phát triển hệ thống bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng dựa trên những gì hiện có; mở rộng hệ thống vệ tinh bóng đá ra tất cả các địa phương trong tỉnh. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Thể thao và ngành GD&ĐT. Bên cạnh đó, việc mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng làm bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng cũng cần được thực hiện.
Đối với hệ thống cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư, cần hướng đến xây dựng các công trình đa chức năng, có thể những khu vực khai thác vào các mục đích thương mại để tạo nguồn thu, trang trải chi phí vận hành, bảo dưỡng nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Bởi với một công trình chỉ để tập luyện, thi đấu sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí hằng năm.
● Vậy theo ông đâu là điều cần lưu ý với hệ thống đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp của Bình Định hiện nay?
- Đó là cần thay đổi tư duy đào tạo. Chúng ta huấn luyện để tạo ra những cầu thủ chất lượng để sử dụng hoặc chuyển nhượng chứ không phải tạo ra nguyên một đội bóng trẻ chất lượng. Ý tôi là cần phải có lộ trình trong từng giai đoạn, có sự đánh giá chính xác về khả năng phát triển của các em để có định hướng phù hợp. Theo tôi, không nhất thiết các lứa U đều có đủ vài chục cầu thủ; nếu chúng ta luôn ổn định với khoảng 30 - 40 cầu thủ lứa U16 đến U19 chất lượng thì đội lớn sẽ không lo thiếu lứa kế cận.
● Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
HOÀNG QUÂN (Thực hiện)